Thứ Tư, 17 tháng 3, 2010

Tây Nguyên, mảnh đất giàu cảm xúc

Ngọc Thành

Tây Nguyên, một dải núi non hùng vĩ của Tổ Quốc, mảnh đất từng sản sinh ra nhưng người anh hùng đã đi vào huyền thoại và trở thành cảm hứng để nhân dân các dân tộc Tây Nguyên viết nên những bản trường ca bất tận truyền mãi tới muôn đời sau.


Tây nguyên ơi, ai một lần qua
Suốt một đời hồ dễ đã quên nhau


Không biết câu ca dao đó xuất hiện từ bao giờ, nhưng với những người lính từng có một thời tham gia chiến đấu trên chiến trường Tây Nguyên thời kháng chiến chống Mỹ thì đó là câu cửa miệng. Câu để tiễn người đi và cũng là câu thường nói với những người mới từ hậu phương vào.

Những năm gần đây mỗi khi có dịp vào Tây Nguyên tôi vẫn thường được nghe lại chính câu ca đó. Thì ra cái tình người cao nguyên không chỉ nồng nàn, bền chặt trong khói lửa chiến tranh mà nó đã trở thành một nét đặc sắc trong tâm hồn mỗi con người đã sống, chiến đấu và lao động vì mảnh đất thiêng liêng này. Trong những năm đánh Mỹ có một nhà thơ đã từng có mặt trên vùng đất này và ông yêu vùng đất huyền thoại này tới nỗi biến tình yêu ấy thành máu thịt, thành thơ ca. Đó là nhà thơ Thu Bồn. Bản trường ca Bài ca chim Chrao của ông khi đọc lên cứ như nghe thấy tiếng vang vọng của những bài Khan mà các già làng Tây Nguyên đọc thâu đêm bên dống lửa, cứ như là tiếng vang vọng của bản trường ca huyền thoại kể về chàng Đam san đi tìm thần mặt trời.

Lễ hội cồng chiêng Tây Nguyên.
Quê hương lạnh đắp chăn bằng lửa
Con đại bàng nhắm mắt ngủ trong mây...

Con đại bàng ngủ trong mây ấy chính là những binh đoàn chủ lực được đại ngàn Trường Sơn nuôi dưỡng, chở che để rồi vào một ngày đẹp trời giữa mùa xuân Tây Nguyên bỗng đột ngột tung cánh,ầm ào như thác đổ triều dâng, chỉ trong vòng một tuần trăng đã quét sạch bóng dáng kẻ thù trên mảnh đất này. Ngày nay, mỗi khi có dịp đi qua ngã sáu thành phố Buôn Mê Thuột, nhìn lên bức tượng đài có chiếc xe tăng của quân giải phóng nằm phủ phục trên đó, tôi cứ ngỡ đó chính là con đại bàng trong thơ Thu Bồn đang nằm đó mơ màng lim dim ngủ. Nhưng câu chuyện về những võ công của quân dân Tây Nguyên, về con đại bàng Tây Nguyên tháng ba năm ấy bỗng đột ngột tỉnh giấc, khởi phát toàn bộ tinh lực để “đánh một trận sạch không kình ngạc”, nay cũng đã xa xôi lắm, đã nhuốm màu huyền thoại rồi. Em bé Ba na, Jrai, Mơ nông nào may mắn được sinh ra vào tháng ba năm ấy thì nay cũng đã ba mươi lăm tuổi tròn, đã vào cái tuổi phải lập thân lập nghiệp, thành gia lập thất rồi. Vậy là, đã có những câu chuyện khac, những huyền thoại khác,những người anh hùng khác , những bản trường ca khác được hát lên trên mảnh đất này.

Nhưng vẫn có một cái gạch nối giữa quá khứ và hiện tại- đó vẫn là Thu Bồn, người đại diện cho thế hệ những người cầm súng đánh giặc trên Tây Nguyên, khi hết giặc vẫn nặng lòng, không nỡ để mảnh đất thiêng này sau bao năm bị đạn bom dày xéo đang trở nên xơ xác, nghèo nàn, thành những vùng đất “Bazan khát. Hàng vạn người lính đã rời cây súng để cầm cuốc, cầm cày, cầm búa, cùng với họ là hàng vạn nam thanh nữ tú từ khắp đất nước đổ về quyết tâm xây dựng Tây Nguyên trở thành vùng kinh tế chiến lược của đất nước.

Công cuộc này cũng hùng vĩ không kém gì công cuộc đi tìm nữ thần mặt trời của chàng Đam san. Công trường thủy nông Ayun Hạ được khởi công khá sớm với mục tiêu biến hàng ngàn héc ta đất đai khô cằn thành vựa lúa của Tây Nguyên. Rồi sau đó là các công trường, nông trường nhà máy, là thủy điện Yaly, thủy điện Đanhim…Thu Bồn đã đi khắp các làng buôn, các công trường và đã viết lên khát vọng về sự vươn mình mạnh mẽ để thoát khỏi đói nghèo của người dân các dân tộc Tây Nguyên. Trường ca Bazan khát đã ra đời như vậy. Đây thực sự là một bài khan của thời đại mới, của tình yêu và khát vọng. Nhà thơ - người lính ấy đã chắt đến giọt cuối cùng của sức lực, của năng lực sáng tạo cho mảnh đất thiêng liêng này.

Vì thế mà những người dân Tây Nguyên, những người lính Tây Nguyên, những người lao động đi xóa dần những vùng “bazan khát”, những vùng tăm tối, đói nghèo trên mảnh đất Tây Nguyên đều yêu mến ông. Khi ông mất, đại diện các làng buôn Tây Nguyên đã về viếng ông, mang theo cả cồng chiêng, ghè rượu, đàn đinhnam, đinh pút tới “chia phần cho ông “. Đồng chí bí thư Huyện ủy Huyện Đăkuy mang xuống trước linh sàng của ông một lọ nước và một nắm đất bazan đỏ rực như lửa, như máu.

Đó không chỉ là vinh quang của nhà thơ mà còn là vinh quang dành cho những người đi giải phóng, đi mở mang khai khẩn vùng đất Tây Nguyên hoang vu nay đang trở thành một vùng kinh tế trù phú. Tôi muốn nhắc đến ngay tại đây, câu chuyện về chương trình phủ sóng cho các làng buôn xa xôi của Tổng công ty viễn thông quân đội, khiến ngày hôm nay tôi có thể ngồi tại Hà Nội mà nói chuyện với bạn bè người thân đang sống và làm việc tận trển đỉnh ChưMoray, vùng ngã ba biên giới. Và mới đây nhất là câu chuyện về chương trình đưa điện đến 100 % các làng buôn của EVN vừa hoàn tất tại Lâm Đồng trước Tết Canh Dần. Chương trình này đang được thực hiện trên địa bàn cả 5 tỉnh Tây Nguyên. Cái ngày toàn cao nguyên không còn khát, không còn đói nghèo tăm tối không xa xôi nữa.

Có thể bạn chưa một lần đến Tây Nguyên, nhưng tôi biết trong trái tim bạn luôn có vùng đất này. Chỉ cần nghe một vài hồi chiêng là bạn sẽ rung động. Ấy là chưa nói đến rượu cần, cà phê và tiếng đàn Tơ rưng, đàn Klong Put trong vắt như nước suối đầu nguồn.

___________________________________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét