Chủ Nhật, 21 tháng 3, 2010

Giáo sư Lê Ðình Kỵ trong lý luận - phê bình văn học

PGS, TS
HUỲNH NHƯ PHƯƠNG

ND - Giáo sư Lê Ðình Kỵ là một trong những người thầy đầu tiên của ngành văn học trong các trường đại học ở Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám. Những đóng góp của ông đối với cách mạng, đối với nền khoa học nước nhà đã được ghi nhận qua Huy hiệu 60 năm tuổi Ðảng cùng nhiều Huân chương, huy chương và giải thưởng về văn học - nghệ thuật do Ðảng và Nhà nước trao tặng. Với giới lý luận, nghiên cứu, phê bình, ông là một người thầy, một nhà khoa học đáng kính.

Hơn nửa thế kỷ gắn bó với ngành giáo dục, GS Lê Ðình Kỵ đã góp phần đào tạo hàng nghìn học sinh, sinh viên. Sau khi về hưu, ông vẫn tiếp tục giảng các chuyên đề đại học và sau đại học, đồng thời hướng dẫn thành công nhiều luận văn thạc sĩ và luận án tiến sĩ. Trong 50 năm miệt mài, ông đã hoàn thành và cho công bố 20 công trình nghiên cứu, trong đó có những tác phẩm được dư luận đánh giá cao như Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực của Nguyễn Du, Cơ sở lý luận văn học, Tìm hiểu văn học, Thơ Mới - những bước thăng trầm,... chưa kể hàng trăm bài viết đã đăng trên các báo, tạp chí ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và nhiều địa phương khác. Những đóng góp của ông trên lĩnh vực văn hóa - giáo dục và các hoạt động xã hội đã được ghi nhận một cách xứng đáng. Năm 1984 ông được phong chức danh Giáo sư; năm 1988 ông được trao tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân. Bên cạnh những huân chương kháng chiến, tấm Huân chương Lao động hạng nhất (1995) và Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật (2001) là những bằng chứng cho thấy sự đánh giá cao của Ðảng, Nhà nước và nhân dân đối với những cống hiến của ông trên lĩnh vực sư phạm và học thuật.

Có thể nói, GS Lê Ðình Kỵ đã xuất hiện với tư cách một nhà khoa học bắt đầu từ những năm tháng giảng dạy ở Trường đại học Tổng hợp Hà Nội. Với vốn chữ Hán và tiếng Pháp được trau dồi trong những năm trước đó, ông bắt đầu học tiếng Nga để dịch thuật các sách tham khảo về lý luận văn học và văn học Xô-viết. Ông cũng là một trong những người đầu tiên ở nước ta tham gia xây dựng bộ giáo trình lý luận văn học được sử dụng ở nhà trường trong điều kiện mà giới nghiên cứu và giảng dạy còn thiếu thốn rất nhiều tài liệu. Có thể nói ông là một tấm gương tự học kiên trì và bền bỉ để tự đào tạo thành một nhà trí thức, một giáo sư đại học.

Với tư cách là một nhà phê bình văn học, ngay từ khi xuất hiện lần đầu trên Báo Văn nghệ năm 1959, Lê Ðình Kỵ đã chứng tỏ sự quan tâm sâu sắc đối với công việc của các nhà văn Việt Nam hiện đại. Ông đã có nhiều bài viết kịp thời về sáng tác của Tố Hữu, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Huy Cận, Tế Hanh, Hoàng Trung Thông, Nông Quốc Chấn, Bằng Việt, Lưu Quang Vũ, Phạm Tiến Duật, Thanh Thảo, Nguyễn Duy... Ông cũng suy nghĩ về sứ mệnh của nhà phê bình qua các bài viết về Ðặng Thai Mai, Hải Triều, Hoài Thanh, Chế Lan Viên, Xuân Diệu... Mặc dù không khỏi bị giới hạn bởi tính thời sự của thể loại phê bình, các trang viết của Lê Ðình Kỵ vẫn lấp lánh những phát hiện sắc sảo của một tâm hồn mẫn cảm và tinh tế. Những bài phê bình của ông đã lần lượt được tập hợp trong các cuốn sách Ðường vào thơ, Trên đường văn học và Phê bình - nghiên cứu văn học. Chuyên phê bình thơ, một số bài viết của ông đã trở thành những bài phê bình tiêu biểu được in lại nhiều lần để làm tài liệu tham khảo trong nhà trường như các bài về thơ Hồ Chí Minh, thơ Chế Lan Viên, thơ Xuân Diệu...

Cùng với mối quan tâm dành cho văn học hiện đại, càng về sau, Lê Ðình Kỵ càng mở rộng tầm khảo sát của mình đến văn học cổ của dân tộc. Có thể nói ông là một trong những nhà nghiên cứu đã có công vận dụng lý luận văn học để soi sáng vào những tác gia và tác phẩm cổ điển mà giá trị tưởng chừng đã ổn định, không cần gì phải bàn luận thêm. Hay cũng có thể nói ngược lại, từ việc khảo sát văn học truyền thống, Lê Ðình Kỵ đã góp phần làm sáng tỏ quy luật phát triển của văn học nước nhà. Ngoài Truyện Kiều, Văn chiêu hồn và thơ chữ Hán của Nguyễn Du, ông còn có những trang viết công phu về di sản lý luận của cha ông ta, về Nguyễn Ðình Chiểu và Nguyễn Khuyến, Hồ Xuân Hương và Tú Xương, Chiêu Anh Các và Ðông Kinh Nghĩa Thục, cả về những tác phẩm văn học dân gian như Mỵ Châu Trọng Thủy, Chử Ðồng Tử, Trương Chi...

Là một nhà nghiên cứu theo quan điểm mác-xít, GS Lê Ðình Kỵ luôn khẳng định bản chất xã hội của văn học, đồng thời rất coi trọng những đặc trưng của văn học, đề cao sự độc đáo của phong cách và cá tính sáng tạo nơi những bậc thầy của nghệ thuật ngôn từ trong việc tái hiện đời sống và biểu hiện tâm hồn con người. Những bài viết của ông về Phong cách trong văn học, Tư duy hình tượng và ngôn ngữ văn học, Chân lý nghệ thuật, Nghề văn... chứng minh điều đó. Ðó cũng là hướng đi mà ông trung thành trong thực tiễn phê bình. Nói về phê bình văn học, Lê Ðình Kỵ quan niệm: "Chọn phê bình văn học là phải am hiểu lý luận văn học, phải biết chấp nhận những ý kiến trái ngược nhau; nhưng trước hết thái độ của người phê bình là vì học thuật và thật sự cầu thị, hướng tác giả - tác phẩm - công chúng đến chân - thiện - mỹ và hoàn toàn vì nghệ thuật. Một tác phẩm (sáng tác, phê bình) ra đời mà không ai đọc thì có cũng như không. Có người đọc, nhưng mơ hồ không thấy hay dở ở chỗ nào và vì sao thì cũng thật đáng tiếc cho tác giả cũng như cho bản thân người đọc. Phê bình có tác dụng bổ khuyết cho khoảng trống này, cố gắng là nhịp cầu nối liền tác giả, tác phẩm với công chúng, làm cho tác phẩm có giá trị trở lại sống nơi người đọc, trong chiều sâu tư tưởng và nghệ thuật của nó"(1) . Khẳng định vai trò của trực giác, trực cảm trong phê bình, đề cao đóng góp của Hoài Thanh, nhưng Lê Ðình Kỵ không muốn lấy một lối phê bình nào làm khuôn mẫu. Ông nói: "... đi vào phê bình, thẩm định văn học, đòi hỏi đầu tiên là hiểu văn học đúng với văn học, nhìn nhận mỗi tác phẩm đúng với cái hay cái dở của nó, mà cái hay cái dở ở đây có muôn vàn sắc độ, thường chỉ có thể phát hiện, cảm thụ bằng trực giác trực cảm. Khả năng này có được một phần nhờ bẩm sinh, một phần nhờ trải qua quá trình tiếp xúc với những giá trị văn học chân chính do hàng trăm ngàn tài năng, thiên tài văn học trong nước và trên thế giới tạo ra" (2).

Trong nghiên cứu, phê bình, GS Lê Ðình Kỵ vốn là người thận trọng khi đánh giá những hiện tượng mới. Ông không bao giờ tán thành những biểu hiện cực đoan trong sáng tác và phê bình. Nhưng mặt khác, ông cũng chưa lần nào tỏ ra nặng lời dè bỉu làm nản chí những nỗ lực tìm tòi của các thế hệ đến sau. Có thể tìm thấy ở ông tấm gương của một nhà giáo, một nhà khoa học luôn thể hiện tính đòi hỏi cao trong công việc, đồng thời một tấm lòng nhân ái, bao dung đối với lớp trẻ. Chứng kiến và tham gia trực tiếp vào những biến động của đời sống văn học gần nửa thế kỷ qua, Lê Ðình Kỵ hẳn cảm nhận sâu sắc những vui buồn nghề nghiệp cũng như ý thức rõ về những thử thách mà người làm lý luận, phê bình phải đối diện. Những trang viết, dù là sáng tác hay nghiên cứu, phê bình, chấp nhận làm chức năng minh họa cho những giá trị nhất thời, thì khó mà tránh khỏi một số phận ngắn ngủi, hẩm hiu. Nhà khoa học không thể không bị quy định bởi một hoàn cảnh lịch sử cụ thể, nhưng đồng thời cũng biết vượt thoát khỏi hoàn cảnh và tác động trở lại hoàn cảnh. Những gì họ viết ra không chỉ là bằng chứng ghi dấu cái thời đại họ sống, mà còn là tấm gương phản ánh bộ mặt tinh thần của người trí thức luôn coi trọng lương tri và lẽ phải, luôn kiên trì với những xác tín khoa học của mình ngay trong điều kiện bất lợi nhất. Vì vậy, giá trị và ý nghĩa của những tài sản tinh thần họ để lại nhiều khi không phải là chân lý vĩnh cửu cho mọi nơi, mọi thời; mà chính là bài học về lương tri và khát vọng tìm chân lý cho những ai tin tưởng vào sự tiến bộ và nỗ lực phấn đấu cho sự tiến bộ trên con đường nghiên cứu khoa học. Có lẽ đó cũng là bài học quý giá mà GS Lê Ðình Kỵ để lại sau hơn nửa thế kỷ lao động miệt mài và đầy tinh thần trách nhiệm.

___________________________________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét