Thứ Sáu, 19 tháng 3, 2010

Nhà văn Bích Ngân: Mải miết trong thế giới xô lệch

Dương Bình Nguyên

Ở đâu đó, ẩn sau cái sôi động và ào ạt chảy của TP HCM, vẫn có những góc riêng trầm tĩnh của người viết, để từ đó nhà văn soi mình vào cuộc đời. Bích Ngân mang đến cảm giác này, khi "Thế giới xô lệch" - tiểu thuyết của chị - là một dòng chảy không ngừng nghỉ của những suy tư, được bắt đầu từ những góc nhìn của một người tật nguyền, nhưng không què quặt về tâm hồn để nói về ngày hôm qua và hôm nay, những con người sau chiến tranh và đối diện với chính tốt - xấu trong lòng mình.

Bích Ngân, người phụ nữ miền Tây chủ động nhập cuộc với thế giới xô lệch hôm nay, dù sự nhập cuộc ấy đã khiến chị mất đi không ít. Và sự nhập cuộc ấy, để lại cho chị những vết thương mà chính những trang viết triền miên cô đơn đã “tố cáo” chị…
1.Trong "Thế giới xô lệch", Bích Ngân đã dành 17 năm để đưa vào những con chữ của mình thật nhiều thấm thía. "Đò ơi", tên một truyện vừa 50 trang đánh máy là bản thảo đầu tiên của "Thế giới xô lệch", tác phẩm Bích Ngân viết trong những ngày học trường viết văn Nguyễn Du, Hà Nội, và được chấm điểm 10 vào lễ tốt nghiệp. 17 năm sau, khi rời bỏ mọi vui chơi tuổi trẻ, trở lại góc bàn của mình lặng lẽ với những con chữ, chị đã biến đổi bản thảo đầu tiên của "Đò ơi" rất nhiều. (Và càng rõ hơn, nếu đọc hết hành trình văn chương của Bích Ngân, từ "Đất không cưu mang" cho đến cuốn tiểu thuyết đầu tay này). Nó không còn bi thiết và những nỗi đau hiển lộ giống những vết thương chưa liền da.

"Thế giới xô lệch" vượt qua được cả những mỹ từ ồn ào và cách sử dụng phương ngữ một cách đầy dụng ý. Tất cả, như một hũ rượu ngâm mình lâu năm trong lòng đất, mọi con chữ được chắt lại, nỗi đau cũng âm thầm, sâu kín, nặng trĩu, nhưng không thê thiết. Nỗi đau ngấm dần vào từng con chữ, mà chỉ khi bạn đọc nhập cuộc mới có thể nhận ra. Và khi bạn đọc kịp ngấm những đòn roi của cuộc sống, sẽ thấy thấm thía nhiều hơn với những chiêm nghiệm của Bích Ngân. Cuộc đối thoại giữa chị gái và cậu Út trong gia đình đặc biệt ấy là một ví dụ: "Đàn ông hay đàn bà thì cũng không khác gì nhau. Khi thật sự trưởng thành là lúc họ nhận ra được những giới hạn, đặc biệt là những giới hạn không thể vượt qua… Út à, đôi khi thói quen cũng là một thứ giới hạn khiến người ta hèn yếu và vô tâm...Thường thì, em cũng như chị thôi, là dễ nhận ra những giới hạn của người khác, ở cuộc sống và giới hạn của cả thế giới này, nhưng lại không đủ gan để nhận ra những giới hạn của chính mình"…

Hay như: "Tấm ảnh gia đình trong ngày cưới đối với tôi trở thành một điều gì đó thật quý giá. Trong luồng sáng chiếu rọi đâu đó từ ký ức, từ những cuộc gặp gỡ rồi chia lìa, từ khổ đau và hạnh phúc, từ những mất còn, không chỉ là của riêng tôi, nó cũng đặc biệt không kém sự kiện đêm tân hôn của đời tôi. Tôi lại đem gương mặt và cuộc đời của ba tôi, má tôi, chị tôi, anh tôi, chị dâu tôi, cháu tôi, cô tôi và chú tôi; đặt gần rồi đặt xa cùng với những hình ảnh ông tôi còn sót lại trong trí nhớ, và cả bà tôi nữa, người tôi chỉ biết qua lời kể của má. Tôi lờ mờ nhận ra, trước mặt, rồi sau lưng của mỗi người là khoảng trống và giữa các thành viên của đại gia đình, cũng là khoảng trống. Khoảng trống vô hình đó hình như là nơi trú ngụ của bóng tối.
Tối và thật nhiều gió… Khoảng trống đó như vẫn hiện diện cùng với những cuộc đời được kết chặt với nhau bằng hôn nhân, bằng huyết thống, bằng lời nguyền, bằng luật lệ gông cùm của lề thói, của hư danh. Cả anh rể tôi nữa, người không có mặt trong bức ảnh gia đình, nhưng vẫn không thoát khỏi vòng dây ràng buộc của số phận. Anh vẫn hiện diện bằng dấu ấn hình hài anh lên nét mặt con trai anh và lên dáng vẻ cô đơn âm thầm trong nỗi khát khao tìm kiếm thứ hạnh phúc chơi vơi nhọc nhằn nơi chị tôi"… Nếu không từng đi qua những cảm giác mất mát và thiếu hụt, không phải là mất đi sự hiện diện của ai đó bên cạnh hay đánh mất một vật thiêng trong nhà, mà là cảm giác thấy những khoảng trống trong chính lòng mình, cảm giác khi thấy những ranh giới và khoảng cách ngày càng rộng giữa những người chung huyết thống, thì sẽ không thể có những dòng chữ thấm thía ấy.

Khi càng lớn, càng biết nghĩ, người ta sẽ càng cô đơn nhiều hơn. Và người ta phải đối diện những bức tường giới hạn, liên tiếp, cho đến khi chết. Có cảm giác, nhân vật tôi, chàng thanh niên chưa một lần yêu và bị cụt hai chân ở biên giới Tây Nam, trở về với cuộc sống đời thường, lại là người có tâm hồn lành lặn nhất. Điều làm tôi bất ngờ nhất khi đọc "Thế giới xô lệch" là một cảm giác gần gũi, nhưng vẫn sang trọng. Bích Ngân, người con gái Cà Mau, nhưng không sa đà vào cách kể chuyện dân dã vốn thịnh hình của những cây bút khu vực này. Không có nhiều những từ ngữ "đánh đố" mang tính vùng miền. Đọc chị gây cảm giác dễ chịu.

Thực chất, câu chuyện bi kịch gia đình thời hậu chiến và những xô lệch khi con người rời khỏi những nỗi lo chung để soi rọi vào chính niềm riêng của mình, trong thời buổi nhá nhem và thật giả đôi khi lẫn lộn, là một đề tài không mới. Gia đình của nhân vật tôi trong truyện, với người cha liêm khiết đến nghiệt ngã, với người má nhẫn nhịn yêu chồng và sống theo suy nghĩ của chồng, với người anh trai phải buộc mình làm một công chức chỉn chu, nhưng thực chất phải bươn ra làm một con buôn với khao khát sống sung túc hơn, với người chị gái quyết liệt từ bỏ lề thói cũ đơn điệu để đi vào những chênh vênh kiếm tìm hạnh phúc mới, với người anh rể u uất và thất vọng, với cô vợ ít học, mang lề thói của phường con buôn bước vào một gia đình trọng lễ nghĩa, với người lái xe cần mẫn, không phải vì yêu quý thủ trưởng, mà vì nhờ đó mà anh ta rút được xăng từ chiếc xe hơi ọp ẹp, nuôi vợ con trong thời đoạn khó khăn…Đó là những mẫu nhân vật đâu đó, ta có thể gặp hằng ngày khi đất nước bắt đầu mở cửa. Nhưng Bích Ngân vượt qua được sự cũ mòn của motif bằng những trải nghiệm. Mà sự trải nghiệm lớn nhất, tôi nghĩ, chính từ cuộc đời chị. Những nỗi đau mà chị đã tự… bỏ qua, để sống trong hiện tại, nhẹ nhàng hơn.

2.Khi người ta trưởng thành là khi người ta nhận ra rất nhiều giới hạn. Bích Ngân bảo, chị cũng nhận ra điều đó từ lâu. Ngày trước, chị ngông cuồng, nghĩ mình có thể làm rất nhiều thứ, nhưng thời gian trôi, chị tự khoanh mình lại với những gì gan ruột nhất. Bích Ngân mang con đi cùng mẹ ra Hà Nội, học trường Viết văn Nguyễn Du. Cô con gái lớn của chị đã có những năm học đầu tiên trong đời tại trường tiểu học Giảng Võ. Bích Ngân, ngày trẻ chán nản với công việc đều đều nhàn nhạt của một phóng viên báo tỉnh, đã tìm mọi cách di chuyển khỏi tỉnh nhỏ, tìm cách nhập cuộc với thành phố lớn. Và chị đã phải đối mặt với hầu hết những khó khăn của một người nhập cư, không nơi nương tựa.

Bích Ngân thuê nhà trọ ở Sài Gòn, mở quán cà phê cóc bên hông Nhà văn hóa Thanh niên. Rồi lặn lội tìm kiếm cơ hội làm việc trong ngành văn hóa. Chị nói, chưa khi nào chị ngừng viết báo. Rất nhiều năm, chị sống được và nuôi con lớn là nhờ những đồng nhuận bút viết báo. Và đến tận lúc này, khi đang làm công việc phó giám đốc NXB Văn nghệ, trực tiếp duyệt một lượng bản thảo khổng lồ mỗi năm, chị vẫn tiếp tục công việc này, với những gì tâm đắc nhất. Có thể lúc này, chị đã không cần phải trông vào từng đồng nhuận bút của báo nữa. Nhưng chị vẫn viết với sự mê đắm, giống như sự biết ơn với cái nghề đã nuôi sống mấy mẹ con qua giai đoạn khó khăn nhất ở Sài Gòn.

Bích Ngân nói, nhiều năm nay chị sống một mình và nuôi hai con. "Mình đôi khi cũng phù phiếm. Mình và ông xã chia tay phần nhiều là lỗi ở mình. Mình không chịu được sự nhàm chán đơn điệu. Và mình đã chủ động trong chuyện đó. Nhưng chuyện cũng đã lâu rồi. Con gái đầu giờ đã lớn và làm phóng viên báo Thanh Niên. Có thể nói, cuộc sống một mình không phải vui, nhưng đôi khi mình phải chấp nhận những giới hạn và mình phải biết yêu bản thân mình một chút". Bích Ngân sòng phẳng quá. Như người chị trong "Thế giới xô lệch", dám từ bỏ và dám đương đầu, dù trước mặt là cả một trời định kiến. Và tôi chợt có ý nghĩ, phàm khi người phụ nữ dám tự nhận tất cả mọi điều về mình, kể cả những lỗi dễ bị quy kết về tiết hạnh và phẩm giá, là khi máu chảy trong người họ là dòng máu trượng phu. Bích Ngân mạnh mẽ, quyết liệt và yêu hết mình, nhưng cũng sẵn sàng từ bỏ khi không còn thấy vui. "Ràng buộc nhau mà không còn yêu sẽ đau lòng nhiều lắm. Mình không phải là người tháo vát, thậm chí hơi hậu đậu, dễ gây đổ vỡ. Nhưng mình thành thật, vậy thôi"…

D.B.N.
________________________________________________
______________________________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét