Thứ Tư, 17 tháng 3, 2010

Sức nặng của ý tưởng

Hoài Nam

Với cuốn tiểu thuyết Giữa dòng chảy lạc, Nguyễn Danh Lam trả người đọc lại với đời thường bằng những chất liệu của đời thường, những câu chuyện của đời thường, những cách kể chuyện đời thường. Dễ tiếp nhận hơn, song không vì thế mà giảm đi sức nặng của những ý tưởng mà tác giả muốn gửi gắm.

Sau cuốn tiểu thuyết Giữa vòng vây trần gian, Nguyễn Danh Lam cho ra mắt tập truyện ngắn Mưa tháng mười một. Viết bài giới thiệu tập truyện ngắn này, tôi đã gọi nó là “quãng giữa hai tiểu thuyết”. Vì tôi tin rằng với một nhà văn chịu đọc, chịu nghĩ và chịu “sản xuất” ý tưởng - không chừa cả những ý tưởng “trời ơi” nhất - như Nguyễn Danh Lam, thì đích đến phải là cái thể loại văn xuôi nghệ thuật có sức dung chứa lớn, tức tiểu thuyết. Truyện ngắn, có lẽ chỉ là cái viết trong lúc chờ đợi và chuẩn bị, là những động tác thử bút “giữa hai hiệp đấu” của nhà văn này. Sau tập truyện ngắn, thế nào Nguyễn Danh Lam cũng sẽ có một tiểu thuyết.

Và rồi, tiểu thuyết Giữa dòng chảy lạc(*) đã hoàn thành vào cuối năm 2009. Thật ra từ trước đó, tôi đã được đọc một phần nhỏ - chính xác là chương đầu tiên - của cuốn tiểu thuyết, dưới dạng là một truyện ngắn trọn vẹn, một truyện ngắn mang rất nhiều chất phi lý: nhân vật bước vào một cao ốc văn phòng để phỏng vấn xin việc, thoạt tiên anh ta bị rối mù trong cái mê cung ấy, rồi anh ta gặp và mải mê tán chuyện với cô gái xinh đẹp làm nghề bán bảo hiểm ở quán cà phê của cao ốc, rồi một trận hỏa hoạn xảy ra. Rốt cuộc là cuộc phỏng vấn xin việc bất thành, nhân vật lại trở về với căn nhà ẩm mốc và tấm nệm hôi hám bẩn thỉu của mình.

Giữa dòng chảy lạc đã khởi đi như vậy. Những nhân vật xuất hiện ở chương đầu tiên của tiểu thuyết này đều vô danh: họ là “anh” và là “cô”. Đi hết cuốn tiểu thuyết cũng không khác: họ là “cô gái ở lớp học ngoại ngữ”, “ông họa sỹ”, “vợ ông họa sỹ”, “bà chị gái”, “ông anh rể”, “ông chủ quán” v.v... Những bà những cô những ông những anh những hắn những gã, thêm vào sau đó là những cụm từ chỉ nghề nghiệp, công việc hoặc quan hệ. Không lẽ có thể gọi đó là cái tên, theo nghĩa là ký hiệu đại diện cho một con người và gắn chặt với một con người cho đến hết cuộc đời của con người ấy? Sẽ không quá, nếu muốn nói rằng thế giới nhân vật trong Giữa dòng chảy lạc của Nguyễn Danh Lam là một thế giới vô danh, thế giới của những bước lỡ, bước chệch quỹ đạo thông thường, thế giới của những thân phận người bị bắn ra và chìm xuống dưới cái mẫu số chung tầm thường tạo thành xã hội. Thử điểm lại xem: “Ông họa sỹ” - một nghệ sỹ đầy tài năng, có nhân cách, trải đời, thế rồi đến lúc xế bóng của kiếp người phải sống ở nước ngoài, tàn tạ héo hon như một cái cây bị người ta đem trồng nơi không hợp thổ nhưỡng. “Ông anh rể”, quanh năm suốt tháng hùng hục kiếm sống trên xứ người, có khi cả ngày vợ chồng không nhìn thấy mặt nhau, khi về nước thì hối hả tìm vui thú (hạ cấp) bằng những đồng ngoại tệ nhọc nhằn tích cóp, cho dẫu không phải không có lúc bẽ bàng. “Cô gái bán bảo hiểm” - vợ của nhân vật anh, phải căng mình ra để có sự tồn tại cân bằng giữa con người đích thực của mình và con người mà định kiến thông thường của xã hội đã ấn định cho mình, rốt cuộc thì cô cũng không chịu đựng nổi sức nặng của chiếc mặt nạ và phải ra đi. Nhưng, được thể hiện ở mức cao nhất của sự nhạt nhòa hóa, sự vô danh hóa, sự tầm thường hóa trong Giữa dòng chảy lạc của Nguyễn Danh Lam, phải là nhân vật anh - một phản nhân vật, một phản anh hùng đích thực (hero có nghĩa là nhân vật chính, cũng có nghĩa là anh hùng). Tôi tin rằng không ít bạn đọc - tôi muốn nói tới những bạn đọc “ngây thơ”, những người luôn có thói quen dẫn chiếu tác phẩm văn học vào cuộc sống thực tế của mình, quanh mình - sẽ phải ngạc nhiên mà rằng: “Làm gì có thứ người như thế?”. Thì đúng vậy. Anh không nghề nghiệp, và cũng chẳng mấy mặn mà với chuyện phải tìm cho mình một công việc. Anh sống chủ yếu bằng đồng tiền bao cấp của bà chị gái “ở bển”, những đồng tiền đẫm vị mặn mồ hôi của kẻ tha phương cầu thực. Anh không vênh vang với thân phận tầm gửi - thậm chí đôi lúc còn cảm thấy áy náy - song cũng chẳng lấy đó làm điều. Anh đối xử với mọi người khá nhân hậu, nhưng sự nhân hậu không đủ lớn để làm thành một hành vi có hiệu quả tích cực nào hết. Anh nhờ nhờ, thụ động, bất lực. Và - có lẽ đây mới là điều đáng nói - anh ý thức được sự nhờ nhờ, thụ động, bất lực của mình, nhưng rồi cũng chẳng làm gì để thay đổi tình thế. Anh buông mình xuôi theo dòng chảy của cuộc đời, phó thác bản thân mình cho mọi ngẫu nhiên, được không mừng, mất không tiếc, tất thảy đều nhàn nhạt! Tôi không nghĩ rằng Nguyễn Danh Lam định dựng lên một mẫu nhân vật “minh triết” như giáo sư Francois Jullien từng phân tích rất kỹ trong các tiểu luận của mình (rõ nhất là công trình Bàn về tính hiệu quả, bản dịch của Hoàng Ngọc Hiến). Những con người “minh triết” ấy dửng dưng vô sự, nhưng là sự dửng dưng vô sự khi họ đã rất chủ động “tác động ở thượng nguồn của quá trình”. Họ ca ngợi “cái nhạt” (đạm), nhưng là cái nhạt đã lắng lại từ muôn vị của “cái nồng” (nùng). Đằng này ở anh đơn thuần là một sự bó tay trước thực tế, một sự đầu hàng trong việc hòa mình vào và làm chủ dòng chảy cuộc đời (một chi tiết chứng minh: khi xin được việc làm ở một cơ quan nhà nước, anh đã không sao chịu nổi với cung cách làm việc và lề lối sinh hoạt ở đây, anh bỏ việc). Cái nhạt ở anh, có thể nói, là cái nhạt từ đầu đến cuối, một cái nhạt tiên thiên. Tôi nghĩ đến Petsorin trong Một anh hùng ở thời đại chúng ta của Lermontov và những “con người nhỏ bé” trong văn học Nga thế kỷ XIX. Thế nhưng, đây là những “con người nhỏ bé” chỉ trở thành nhỏ bé khi mọi nỗ lực vươn lên của họ đã bị xã hội đè cho bẹp dí, và vì thế, họ là những nhân vật mang sức tố cáo to lớn. Nhân vật anh trong Giữa dòng chảy lạc của Nguyễn Danh Lam thì sao, phải chăng có thể xem đó là một phiên bản khác của những “con người nhỏ bé”? Nếu có thể khái quát, liệu anh của Nguyễn Danh Lam sẽ chính là chúng ta, những con người mang trong mình đầy tàn dư và hệ lụy của một thời kỳ bao cấp quá dài, ta chán ngấy cái cũ nhưng lại chưa được chuẩn bị đầy đủ để thích ứng với cái mới, và vì thế ta buông xuôi chăng?

Tiểu thuyết Giữa dòng chảy lạc của Nguyễn Danh Lam nói đến hai sự ra đi mang nhiều ý nghĩa, đó là trường hợp của “ông họa sỹ già” và “cô gái bán bảo hiểm”. Ông họa sỹ già từ nước ngoài về, nơi ông sống như một người thừa. Trên quê hương mình, ông bỏ mạng sau một vụ không rõ nguyên nhân, thi hài ông được hỏa táng và được hòa vào với mênh mang sông nước. Cô gái bán bảo hiểm thì chạy trốn cái gia đình giả tạo không chút hạnh phúc. Cô đi đâu không biết. Ra đi cũng có nghĩa là trở về. Không có sắc thái tươi tắn lạc quan nào ở đây cả. Có chăng chỉ là cái giá mà con người phải trả để có được một nhận thức nào đó. Con người cần thiết phải nếm trải nỗi đau để trưởng thành, như một câu thơ của L. Aragon: “Tôi đã khổ đau nên có đủ quyền”?

Với cuốn tiểu thuyết Giữa vòng vây trần gian, Nguyễn Danh Lam đã “chơi” một lối viết kín đặc những biểu tượng và huyền thoại (lối viết “tối mù” ấy rất có thể sẽ làm nản lòng không ít người đọc). Với cuốn tiểu thuyết Giữa dòng chảy lạc, Nguyễn Danh Lam trả người đọc lại với đời thường bằng những chất liệu của đời thường, những câu chuyện của đời thường, những cách kể chuyện đời thường. Dễ tiếp nhận hơn, song không vì thế mà giảm đi sức nặng của những ý tưởng mà tác giả muốn gửi gắm. Cá nhân tôi, tôi cho rằng với một nhà văn Việt Nam - viết cho người đọc Việt Nam - thì có lẽ đó là một lựa chọn hoàn toàn không nhẹ cân.

(*) Tiểu thuyết của Nguyễn Danh Lam, Phương Nam Book và NXB Văn nghệ, 2010.

____________________________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét