Thứ Năm, 25 tháng 3, 2010

Những yếu tố tạo nên sự hấp dẫn của tiểu thuyết 'Nháp'

Đoàn Minh Tâm

Cũng đã khá lâu rồi mới lại có một cuốn tiểu thuyết vừa mới in ra đã được báo chí ưu ái và nói nhiều đến như thế. Gõ chữ “Tiểu thuyết Nháp của Nguyễn Đình Tú” trên Google lúc này sẽ ra những kết quả mà không phải người viết nào cũng làm được sau khi công bố tác phẩm của mình.

Những dư luận mang tính truyền thông ấy rồi cũng sẽ lắng xuống và thời gian sẽ làm cái công việc kiểm chứng nghiệt ngã. Là người đọc và theo dõi rất sát các tác phẩm của nhà văn mang quân phục thuộc thế hệ 7x này, tôi đọc Nháp trong mối so sánh liên văn bản với hai tiểu thuyết Hồ sơ một tử tù và Bên dòng Sầu Diện thì quả đây là tác phẩm đánh dấu một chặng đường sáng tác chưa dài nhưng cũng không ngắn của anh. Sau Nháp, chúng ta sẽ gặp một Nguyễn Đình Tú với phong cách sáng tác hoàn toàn khác trước đây. Và cũng thật dễ hiểu vì sao Nháp lại được bạn đọc trẻ quan tâm đến thế. Dưới đây là mấy yếu tố mà theo chúng tôi là đã tạo nên sự hấp dẫn của tiểu thuyết Nháp.

Ngôn ngữ. Với những người theo dõi Nguyễn Đình Tú thường xuyên thì tên tiểu thuyết này quả đã tạo cho họ một sự bất ngờ đến mức “giật mình”. So với những tên gọi đầy chất chỉn chu, “văn vẻ” trước đây thì Nháp là một nhan đề đầy sức ám ảnh. Nó gọn gàng, đầy sức nặng như một cú đấm của nhịp điệu mà nhà văn Chu Lai từng ví von. Và sự thay đổi về ngôn từ không chỉ diễn ra ở “mặt tiền” nhan đề sách mà còn xuyên suốt hơn mấy trăm trang tiểu thuyết. Ngôn ngữ trong Nháp có tiết tấu nhanh, thẳng băng, nhiều trường đoạn tạo cho người đọc “ảo giác” tác giả đang “nháp”, đang trong quá trình phôi thai đứa con tinh thần chứ đây chưa phải là sản phẩm hoàn chỉnh. Nhưng trên thực tế, đây là những ngôn từ được sử dụng đầy dụng công nhằm hướng độc giả đến cái đích là hòa nhịp cùng âm hưởng chủ đạo của tác phẩm thông qua nhan đề có sức biểu trưng cao. Mặt khác, so sánh hai đoạn miêu tả cảnh ân ái giữa Bạch Đàn và Dịu trong Hồ sơ một tử tù và Thạch và Yến trong Nháp, chúng ta thấy bước biến chuyển trong văn phong Nguyễn Đình Tú. Thay thế cho lối viết nhẹ nhàng mang tính “ước lệ”, “tượng trưng” trong Hồ sơ một tử tù là lối viết trực diện, cụ thể không hề né tránh những đề tài gai góc, nhạy cảm trong Nháp. Ngôn ngữ là công cụ của tư duy, ngôn ngữ thay đổi báo hiệu những thay đổi lớn trong sáng tác của nhà văn. Nguyễn Đình Tú cũng không ngoại lệ. Sự thay đổi ngôn từ ở anh đánh dấu sự thay đổi ở các khía cạnh quan trọng sau.

Độ mở của tiểu thuyết. Đây là thay đổi căn bản nhất của Nháp so với hai tiểu thuyết trước đây. Độ mở của Nháp thể hiện trên hai khía cạnh chính. Một là trong Nháp không còn những tranh luận, hay giảng giải dài dòng giữa các nhân vật về vấn đề thuộc các phạm trù tư tưởng như tôn giáo, triết học… như những lời khuyên giải về đạo Phật của Hiến đối với Đàn hay giữa cha con Thành về vấn đề chủ nghĩa xã hội và tư bản, về người cộng sản và những nhà tư bản. Lối viết này bên cạnh những ưu điểm vô cùng to lớn lại có mặt hạn chế là dễ dẫn đến hiện tượng độc giả bị “trói” vào tư tưởng chủ quan mà tác giả áp đặt, do trong quá trình cho các nhân vật tranh luận, dù trong ý thức (hay vô thức) chắc chắn tư tưởng tác giả cũng nghiêng về tư tưởng của một trong hai nhân vật tranh luận. Nháp không thế. Các nhân vật trong Nháp chỉ có hành động và hành động. Qua hành động, nhân vật tự bộc lộ bản thân mình. Độc giả tùy vào trình độ tri thức, vốn sống, sự hiểu biết của mình để cảm nhận, đánh giá về tác phẩm theo những chiều kích đa dạng mà không phải chịu bất cứ sự lệ thuộc nào. Đơn cử như vấn đề làm sao để hạnh phúc, con người phải làm gì để tìm được sự thanh thản cho tâm hồn, các nhân vật trong Nháp không tranh luận với nhau, mỗi người trong họ tự đi tìm câu trả lời cho mình. Trong đó:
- Với bố Thạch là hành trình đi tìm người đại đội trưởng trinh sát hy sinh năm nào.
- Với mẹ Thạch là cuộc sống giàu có nơi đất khách quê người.
- Với Đại là cách sống cao thượng, hết mình vì mọi người
- Với Nguyễn Toàn là thú vui bệnh hoạn cùng những người đàn ông cô đơn.
- Với Hải là tìm thấy cha mẹ, tìm lại mái ấm thân thương.
- Với Melơni là niềm say mê tìm hiểu, khám phá cuộc sống, văn hóa phương Đông.
- Với Tony là hành trình trở về chiến trường xưa, tìm và trao trả lại hài cốt người lính Việt cộng mình sát hại năm xưa cho đồng đội người lính đó.
- Với Thảo, là khát vọng được làm vợ, làm mẹ, có một mái nhà bình yên sau những ngày dấn thân làm kiếp “gái giang hồ”.
- Với Duyên là được sống bên cạnh Đại.
- Với Thảo là hành trình tìm lại trí nhớ sau một vụ tại nạn.
- Với Thạch là sự thỏa mãn tính dục với người khác giới, là khát vọng xóa đi những mặc cảm giống nòi.
Với cả hệ thống “định nghĩa về hạnh phúc” được Nguyễn Đình Tú đưa ra ở trên, mỗi bạn đọc sẽ tìm cho mình một quan niệm phù hợp.

Mặt khác, thay vì tạo một vòng đời khép kín sinh ra - lớn lên - trưởng thành - chết đi cho các nhân vật như đã làm ở hai tiểu thuyết trước, lần này Nguyễn Đình Tú chỉ tập trung vào một “lát cắt đủ dài” trong cuộc đời dằng dặc của họ. Kết thúc Nháp, Thạch bị bắt vào nhà đá, đối mặt với bản ản sắp tuyên, Đại chưa rõ có cưới Duyên hay không và đang tập tành làm nhà báo. Tương lai của họ còn chưa được xác định rõ ràng? Thạch sẽ bị kết án thế nào? Tử hình hay chung thân hoặc nhẹ hơn? Sau khi ra tù liệu có hoàn lương được không? Liệu Đại có trụ được ở nghề báo hay không, cưới Duyên có hạnh phúc không? Kết thúc lửng lơ của Nháp là kẽ hở cho độc giả phát huy tri tưởng tượng, điều mà sau cái chết của Bạch Đàn (Trong Hồ sơ một tử tù) và kết cục phần đời của Minh Việt (Trong Bên dòng Sầu Diện) là không hề có, hoặc giả dụ có thì cũng bị hạn chế nhiều trong một cái “lồng” đã định sẵn.

Xây dựng nhân vật. Cùng với việc miêu tả nhân vật trong một “lát cắt cuộc sống đủ dài” mà chúng tôi vừa đề cập ở trên, Nguyễn Đình Tú có bước thay đổi lớn lao khi lần này anh miêu tả, xây dựng kiểu nhân vật tâm thần (được hiểu là lệch chuẩn về tâm sinh lý). Dựa trên nguyên lý khá nổi tiếng của một nhà phân tâm học: Mọi người đều là người điên, duy chỉ có người điên là giống họ hơn chúng ta mà thôi, Nguyễn Đình Tú đã phác thảo nhiều chân dung những con bệnh thần kinh mà tiêu biểu là Thạch và Nguyễn Toàn. Điểm khác biệt giữa hai nhân vật này với các nhân vật như Bạch Đàn hay Minh Việt (trong hai tiểu thuyết trước) là ở chỗ tuy cùng gặp bất hạnh trong cuộc sống nhưng bất hạnh của họ không chịu tác động lớn của nhân tố bên ngoài - tức là do hoàn cảnh sống đưa đẩy. Bất hạnh của Thạch và Nguyễn Toàn ở dạng hoàn toàn khác. Nó có nguồn gốc tự bản thân họ. Họ phải chống chịu với những ý nghĩ, những ham muốn bản năng - mà ý chí, lương tâm - biết là lệch lạc đang ngày đêm hiện hữu nơi xác thân. Trong tất cả các khó khăn, khó khăn lớn nhất là chiến thắng chính mình. Nguyễn Toàn và Thạch đã không làm được điều đó. Vậy nên cả hai đồng thời phải chịu “bi kịch kép”. Bi kịch do tự mình gây nên và bi kịch do xã hội trừng phạt. Nguyễn Toàn bị Thạch giết và Thạch phải đối mặt với tòa án. Bi kịch kép của hai nhân vật này là hướng gợi mở cho câu hỏi: Chúng ta phải làm gì để ngăn chặn chính chúng ta ở cuối tác phẩm. Đó là hành trình đi dựng lại mặt nạ (personal) ở mỗi người. Bấy lâu nay chúng ta đã nói quá nhiều đến việc giải tỏa những ẩn ức; đề cao bản thể, cái tôi cá nhân mà quên mất rằng việc tạo dựng cho mình một mặt nạ thật đầy đặn là điều làm cần thiết. Mỗi khi mặt nạ rơi xuống, con người hiện nguyên hình và gây ra bao điều đau lòng. Cần sống thật với bản thân và tạo dựng cho mình một mặt nạ vững chắc là một trong những phương thức giúp con người tự bảo vệ mình. Xây dựng kiểu nhân vật thần kinh là bước nỗ lực lớn của Nguyễn Đình Tú trong việc làm mới chính mình. Với Nguyễn Toàn và Thạch tuy còn đôi nét chưa thật nhuyễn nhưng, Nguyễn Đình Tú cho thấy rằng anh hoàn toàn có thể đi xa ở kiểu nhân vật này.

Hướng tới thị trường. Viết Nháp, chúng tôi tin Nguyễn Đình Tú có tính đến yếu tố thị trường, nghĩa là cuốn sách phải đáp ứng được nhu cầu thưởng thức của đông đảo tầng lớp bạn đọc, chứ không dành riêng cho những người trong nghề. Nếu bạn là một độc giả bình thường, không lấy văn làm nghiệp, văn chương với bạn đơn thuần là một thú vui giải trí thì Nháp là cuốn sách đáp ứng được nhu cầu đó của bạn. Trong Nháp, mọi vấn đề nóng bỏng nhất của xã hội, mọi vấn đề hút khách nhất của xã hội đều được đề cập đến. Bạn thích những câu chuyện hình sự, những ân oán của thế giới ngầm? Trong Nháp có tất cả. Nháp mô tả hai vụ trọng án giết người vì tình. Một vụ bảo vệ người mình yêu, một vụ do kẻ đồng tính thủ tiêu bạn tình? Ngoài ra còn có chuyện thanh toán giữa những băng nhóm xã hội đen, chuyện bảo kê những cô gái “ăn sương” cùng giấc mơ hoàn lương của họ…

Nếu bạn ưa thích những đề tài giật gân toàn xã hội thì Nháp là cuốn sách bạn nên tìm đọc. Trong Nháp có những trường đoạn viết thẳng thắn, cởi mở về tính dục, về đời sống của những người đồng tính luyến ái, về chuyện người đàn bà bội bạc gia đình tìm sung sướng cho riêng mình nơi xứ người…

Và nếu bạn là người lãng mạn, ưa những câu chuyện tình đậm chất romantic, rất có thể bạn sẽ cảm động trước tấm chân tình của Đại dành cho Thảo - một mối tình đẹp, cao cả, thánh thiện và trong sáng như ngọc trai, rực rỡ như cầu vồng, để rồi bạn sẽ có nhiều ưu tư trước mối tình tay tư giữa Đại - Thảo - Duyên - Trí.

Sau nữa, nếu bạn là con người của huyền thoại, của siêu nhiên thì trong Nháp cũng có câu chuyện về nhà ngoại cảm, về vẻ đẹp lung linh và tác dụng thần kỳ của viên ngọc ước.

Và cuối cùng nếu bạn thích tìm hiểu về người lính, về nghệ thuật quân sự, để thêm một lần nữa hiểu được vì sao quân đội nhân dân Việt Nam với khí tài thô sơ lại chiến thắng được những lực lượng hùng mạnh nhất thì sau khi đọc Nháp bạn cũng có thể tự mình cảm nhận được. Trong Nháp có câu chuyện đi tìm mộ liệt sĩ của những đồng đội cùng chung chiến hào, có những bài học, kinh nghiệm chiến trường phải trả giá bằng máu của bao người chiến sĩ…

Nói tóm lại Nháp có thể thỏa mãn những nhu cầu giải trí khác nhau của người đọc thông thường. Xưa nay nói đến tính thị trường, chúng ta thường không hay đánh giá cao, cho đó là dạng văn chương “thứ cấp”. Chúng tôi cho rằng trong bối cảnh văn học hiện nay, việc đưa sách đến càng nhiều bạn đọc càng tốt, tạo được nhiều tiếng vang càng tốt. Chúng ta cũng nên tin tưởng vào trình độ thẩm định của bạn đọc bình thường và tin tưởng vào sự sàng lọc của thời gian. Không có một kiệt tác nào bị quên lãng cả. Hơn nữa chúng tôi cũng tin rằng làm một cuốn sách thị trường không phải là điều Nguyễn Đình Tú hướng đến. Trước sau anh vẫn đau đáu với những dự định văn chương nghiêm túc, vì nghệ thuật đích thực.

____________________________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét