Thứ Ba, 9 tháng 3, 2010

VĂN CHƯƠNG VÀ CỬA ẢI THỊ TRƯỜNG

Phong Điệp


Từng có người than rằng: Văn chương thời buổi này thật là vàng thau lẫn lộn. Sách in ra nhiều, bìa nào cũng ấn tượng, bắt mắt. Quảng cáo sách nào cũng hấp dẫn...
Sáng tạo và đám đông

Có một hấp lực khó cưỡng nổi với nhiều người cầm bút, đó là thiết lập cho mình một "đám đông công chúng". Tác phẩm xuất bản, được báo chí "điểm danh" thường xuyên và nhiều người tìm đọc; Tên tuổi tác giả, tác phẩm được nhắc tới nhiều trong các cuộc bàn luận văn chương, thậm chí trong cả những cuộc tán gẫu - càng tốt.

Nghĩa là tác phẩm có tính đại chúng. Thế nhưng điều này cũng có thể sẽ dẫn đến một vấn đề: Trong sáng tạo nghệ thuật, việc theo đuổi nhu cầu của đại chúng có nguy cơ khiến cho tác phẩm của bạn trở nên ít giá trị. Vì sao vậy?

Tâm lý đám đông thường bị dẫn dắt bởi thị hiếu nhất thời, bởi truyền thông nên người ta hoàn toàn có thể quên ngay cuốn sách mà mình vừa lao đi tìm mua vài tháng trước. Trong khi đó, những tác phẩm văn học đích thực phải là những tác phẩm biết kiếm tìm và thiết lập những giá trị mới, bền vững.

Vì thế nó chưa hẳn là thứ vừa mới ra mắt đã lập tức có ngay một đám đông vỗ tay chào đón. Nó phải sẵn sàng đương đầu với các cuộc tranh cãi. Thậm chí còn phải đối diện với khả năng bị lạnh nhạt. Và nó cần thời gian để khẳng định giá trị.

Thực ra, trong một đám đông độc giả luôn có sự phân hoá. Rất khó - nếu không muốn nói là không thể có một tác phẩm gối đầu giường cho tất cả các đối tượng nam phụ lão ấu, các trình độ từ dân lao động đến tầng lớp trí thức.

Bởi vậy, khái niệm đám đông công chúng cũng chỉ là một khái niệm tương đối trong một phạm vi hẹp mà thôi. Và người sáng tác sẽ luôn phải đối mặt với một bên là nhu cầu sáng tạo của bản thân và một bên là sự đón nhận - hưởng ứng từ phía công chúng.

Nhà văn và nhà văn "hạng hai"

Khi trả lời câu hỏi thẳng thắn của phóng viên: "Đã có nhiều tác phẩm được in, sao anh chưa trở thành hội viên Hội Nhà văn?", tác giả Trần Nhã Thụy đã không ngần ngại tuyên bố rằng: "Vì tôi thấy mình chưa xứng đáng là một nhà văn. Đến khi nào tôi cảm thấy mình xứng đáng, tôi sẽ xin vào hội. Tôi không dám cho mình là một nhà văn. Mà nếu có cũng chỉ là "nhà văn hạng hai".

Nhà văn hạng hai? Chắc chẳng mấy ai tự nhận mình là nhà văn "hạng hai". Thế nhưng ở đây Trần Nhã Thụy - tác giả của cuốn tiểu thuyết "Sự trở lại của vết xước" (tác phẩm vào chung khảo giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2008); tặng thưởng của Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh năm 2008) đã không ngần ngại xếp mình vào thứ hạng ấy. Nó thể hiện sự nghiêm khắc của tác giả này với văn chương nói chung và lao động sáng tạo của bản thân nói riêng.

Tuy nhiên, không nhiều người muốn hoặc sẵn sàng xếp mình vào thứ hạng "second class" ấy.

Thế nhưng nói một cách sòng phẳng: Nếu nhìn nhận văn học như một rừng cây, ắt sẽ có cây cao cây thấp, cây đại thụ và cỏ dại. Người ta không thể tự phong hoặc xếp hạng mình ở hàng đại thụ nếu bản chất chỉ là một loại cây thân mềm và ẻo lả. Ý thức được vị trí, thứ hạng của mình sẽ khiến người ta bớt những ảo tưởng và ngộ nhận. Điều ấy lẽ nào lại không cần thiết?

Truyền thông - con dao hai lưỡi?

Có vẻ như là điều không tưởng và sẽ hết sức buồn cười nếu một ai đó muốn tìm kiếm những tác phẩm văn học có giá trị cho mình bằng cách theo dõi trên truyền thông những cuốn sách được nói nhiều đến nhất trong tháng, trong năm.

Thực tế, có những cuốn sách được giới chuyên môn đánh giá cao, được giải này giải khác, khi được công bố thì không ít độc giả mới giật mình: À, hóa ra có cuốn đó ở trên đời. Ngay cả những cuốn sách được giải Nobel cũng có nguy cơ bị ngủ quên trên giá sách đầy bụi.

Những cuốn sách được tái bản chỉ sau vài tuần phát hành, không hẳn bởi đó là một cuốn văn chương tuyệt đích. Nó, đơn giản là đáp ứng được nhu cầu thị trường.
Và nhu cầu này thì thay đổi giống như... thời trang. Song điều đáng buồn đó là dường như chính thị hiếu của đám đông công chúng đã và đang điều chỉnh sự sáng tạo của một bộ phận những người cầm bút - những người chưa đủ bản lĩnh để tách mình ra khỏi "vòng xoáy" của thị hiếu, của nhu cầu nổi danh. Và họ viết để chiều theo thị hiếu nhất thời. Kiểu như: Độc giả cần truyện về đồng tính thì tôi viết về đồng tính. Cần sex thì sẽ viết lâm ly luôn. Cái Tôi sáng tạo của người viết hoàn toàn không được xác lập.

Và chuyện không chỉ xảy ra ở những người trẻ. Từng có nhà văn U60 hùng hồn tuyên bố: "Sex ư, nó trẻ ranh thì biết gì mà viết về sex. Để tao viết cho chúng nó mở mắt ra". Và nhà văn U60 viết thật. Sách in ra. Người đọc kinh hãi vì những màn sex kiểu tự nhiên chủ nghĩa của ông. Nhưng nếu sex chỉ là sex thì người ta cần gì phải tìm đến một tác phẩm văn học để tìm hiểu? Ấy vậy mà nó đã và đang biến thành một dạng "bão quét" xuất hiện trong hàng loạt các tác phẩm ra mắt thời gian gần đây.

Tác giả mặc sức tuyên bố kiểu như: "Không định gây sốc bằng sex", thế nhưng từ bìa sách đến nhan đề cuốn sách, đến những mô tả trong sách... thì chủ tâm của người viết lại tố cáo chính họ. Truyền thông thì ráo riết khai thác những tình tiết, yếu tố gây sốc để thu hút độc giả. Và sách ắt bán chạy. Tác giả trở nên "hot".

Lạm phát danh xưng "nhà văn"

Từng có người than rằng: Văn chương thời buổi này thật là vàng thau lẫn lộn. Sách in ra nhiều, bìa nào cũng ấn tượng, bắt mắt. Quảng cáo sách nào cũng hấp dẫn.

Một nhà báo không mấy khó khăn, đã đúc kết được công thức để một "nhân vật vô danh" trở thành nổi tiếng và gia nhập giới "nhà văn" như sau: "Chỉ cần vốn liếng là chiếc máy tính nối mạng và khả năng siêng blogging, chịu khó kể những câu chuyện lảm nhảm về tình yêu, công việc, nhớ pha thêm một số cảnh sex nóng bỏng, lãnh cảm hay bất lực; thủ dâm hay cuồng loạn vũ trường quán xá; gay, lesbian hay ngoại tình; phơi bày bản thân; phản ánh những mốt chơi thời thượng như vespa, chụp ảnh hay ngồi nhìn mưa và nói chuyện đi du học… Tất cả cứ trắng phớ ở tầng nghĩa thứ nhất để đỡ mất công suy nghĩ hay thao thức. Chẳng cần bút pháp thủ pháp gì mất công, chỉ cần đừng quên chua vào một số câu cảm thán triết lý về sự đời bế tắc, cô đơn, tuyên bố tự do tình dục, tỏ vẻ sâu sắc và to tiếng phản kháng... Chắc chắn những entry ấy sẽ đắt comment và bạn sẽ trở thành một hot blogger".

Và khi là một hot blogger thì cơ hội ra sách, cơ hội bước lên thảm đỏ của văn chương đã được mở ra cho họ. Điều tưởng chừng phi lí ấy đang tồn tại như điều hiển nhiên!
Thực tế cho thấy, vừa xuất hiện bằng một vài tác phẩm, hoặc ra mắt một cuốn sách, một người viết bất kỳ nào đó lập tức được (hoặc bị) choàng vào cổ hai chữ nhà văn. Hình như chưa bao giờ người được nhận danh xưng "nhà văn" nhiều như bây giờ. Sự tùy tiện đã và đang làm giảm giá trị, thậm chí xúc phạm chính danh xưng này...

______________________________________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét