Thứ Ba, 16 tháng 3, 2010

Người giữ 51 bản Kiều nôm cổ

Phạm Thuận Thành

Lương y Nguyễn Khắc Bảo ở Thành phố Bắc Ninh có cách mê Kiều riêng. Ông đã sưu tập được 41 bản in và 10 bản Kiều chép tay.

Gia đình ông Nguyễn Khắc Bảo có nghề thuốc gia truyền nhưng bản thân ông không theo nghề thuốc mà lại làm nghề gõ đầu trẻ. Khi cụ thân sinh yếu, ông đành phải xin nghỉ mất sức về trông nom cụ.

Con nhà tông…

Con nhà tông, “hổ phụ sinh hổ tử”, ông kế nghiệp nghề thuốc gia truyền, mở hiệu thuốc Ông lang Chọi ở ngay Chợ Nhớn, TP Bắc Ninh. Làm thuốc thì phải học chữ Hán Nôm. Ông Bảo thuộc và hiểu Kiều từ hồi còn đi học phổ thông vì cụ thân sinh cũng rất mê và am tường về Kiều. Cụ đọc Kiều bằng bản in cổ, sau này phân loại, ông Bảo gọi bản của gia đình ông là bản Kinh Bắc. Ông nảy ra ý tưởng học chữ bằng cách đọc bản cổ này. Đọc như soi từng con chữ, ông phát hiện ra có sự khác biệt giữa bản Kiều quốc ngữ 1979 và bản nôm cổ. Mỗi khi gặp một chữ khác biệt ông có cảm giác như ăn cơm gặp sạn vậy. Hỏi một số cụ am tường Hán Nôm trong hội Đông y về sự khác biệt này, các cụ đem bản Kiều nôm gia đình ra so thì lại có thêm nhiều sự sai biệt nhau nữa. Ý tưởng sưu tầm bản Kiều nôm cổ ra đời từ đó.

“Cảo thơm lần giở…”

Kinh Bắc là quê ngoại Nguyễn Du, lại có người anh rể là Vũ Trinh say mê và bình phẩm Kiều ngay từ những ngày đầu nên ông hy vọng có thể tìm được nguyên tác ở chính quê hương mình. Khi đi sưu tầm mới thấy khó khăn. Thứ nhất là thời gian quá lâu rồi, các bản Kiều cổ ố vàng, nấm mốc, rách nát rồi lửa cháy, chiến tranh loạn lạc…khó giữ được nguyên vẹn. Thứ hai là có một thời người ta lẫn lộn giữa bài trừ mê tín dị đoan với các giá trị văn hoá cổ nên nhiều thư tịch Hán Nôm bị coi là tàn dư phong kiến đã bị tiêu huỷ. Thứ ba là số người biết chữ không nhiều nên các thư tịch Hán Nôm trở thành vô dụng trong giá sách gia đình.

Cũng may có một bộ phận biết chữ mà ông Bảo quen biết là những người sinh hoạt trong hội Đông y am tường Hán Nôm, trong nhà họ còn giữ được nhiều thư tịch, trong đó có cả bản Kiều. Các cụ lương y người tặng cho bản nôm người thì mách chỗ đang tàng bản. Thậm chí ngay các bệnh nhân cao niên đến hiệu bốc thuốc ông cũng hỏi thăm về các bản Kiều nôm ở các địa phương.

Năm tháng, thời gian cứ vô tình trôi đi mải miết, ông Nguyễn Khắc Bảo cần mẫn như con ong chăm chỉ nên đã sưu tập được 51 bản Kiều nôm cổ. Gồm 41 bản in và 10 bản chép tay khác nhau. Ba bản mới sưu tầm được là bản chép tay Kiều Oánh Mậu do tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, Phó giám đốc Thư viện Viện Hán Nôm tặng đầu năm 2008; bản chép tay Liễu Văn Đường 1866 ở Diễn Châu tìm được ngày 23/12/2008; bản in Chu Mạnh Trinh C tìm thấy ở thôn Xuân La - Xuân Phương - Phú Bình - Thái Nguyên ngày 16/1/2009.

Tìm được bản này là nhờ ông Nguyễn Đình Hưng, cán bộ sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch Thái Nguyên giới thiệu. Gia đình cụ Dương Nghĩa Phùng, 92 tuổi còn giữ. Cụ Phùng tuổi cao nhưng còn minh mẫn. Cụ giữ lại bản này để thỉnh thoảng đọc chơi. Quý mến hậu nhân nặng lòng với Truyện Kiều nên cụ tặng, cũng bởi gia đình cũng không còn người biết chữ nôm nữa. Chính những tấm lòng rộng mở của các cụ trưởng lão như cụ Phùng đã giúp ông thêm kiến văn cổ trong quá trình đi sưu tầm các bản Kiều nôm xưa cũ.

Trả lại chữ cho Nguyễn Du

Trong khi chưa tìm thấy bản có bút tích của Nguyễn Du để xác định nguyên tác thì chỉ có thể dựa vào các bản cổ nhất để tìm ra bản gần nguyên tác nhất, là hướng tiếp cận văn bản của ông. Có một vấn đề đặt ra có tính khoa học là: Bản in trước chưa chắc đã là bản in dựa vào bản thảo cổ nhất, mà có thể là bản in sau! Bản in Liễu Văn Đường năm 1866 khuyết 8 chữ do bản thảo, bản in Liễu Văn Đường năm 1871 có 8 chữ này, nhưng lại khuyết 12 chữ khác mà nhà in không bổ sung từ bản in lần trước vì trung thành với bản thảo khác, một cách làm thận trọng với nguyên tác của người xưa.

Bản quốc ngữ năm 1979 có sự tham gia của nhiều danh sĩ đương đại, dựa trên bản Đào Duy Anh năm 1974 có thể coi là chuẩn mực phổ biến hiện nay được lấy làm bản đối chiếu, ông dựa chủ yếu vào bản Liễu Văn Đường năm 1866 và bổ sung bản Thịnh Mĩ Đường năm 1879 để chỉnh sửa những chữ sai biệt, từ đó làm ra bản Kiều mới theo hướng phục nguyên. Một số chữ hai bản nôm khác nhau thì ông đối chiếu những bản khác để đưa ra phương án chỉnh sửa hợp lý nhất.

Tháng 8/2009, Nhà xuất bản Giáo dục đã in xong cuốn sách ông làm với nhan đề Truyện Kiều - văn bản hướng tới phục nguyên, trong đó ông đã chỉnh sửa 918 chữ trong 701 câu Kiều. Những câu chữ chỉnh sửa này ông đã công bố rải rác trên báo. Trong tham luận tại Hội nghị quốc tế về chữ nôm năm 2004, ông cũng đã công bố 21 chữ chỉnh sửa. Nguyên tác là tiếng Việt cách nay khoảng 200 năm nên khi đọc khi nghe những chữ chỉnh sửa của ông có thể trái tai với những chữ hiện đại đã quen thuộc với mọi người, nhưng xin bạn đọc hãy bình tâm suy ngẫm: chữ gì của Nguyễn Du thì hãy trả lại cho Nguyễn Du.

Ví dụ câu 1951: Quản chi lên thác xuống ghềnh được chỉnh sửa lại thành Quản chi trên các dưới duềnh là dựa vào bản in cổ Liễu Văn Đường năm 1866, năm 1871; Thịnh Mĩ Đường và Quan Văn Đường năm 1879. Ngoài ra còn dựa vào điển cố văn học việc Dương Hùng tự tử từ trên gác và Khuất Nguyên tự tử sông Mịch La. Cách viết này giống như phép rút gọn trong viết hoành phi, đại tự. Một điển có thể viết thành một câu ngắn, hoặc chỉ còn vài chữ, thậm chí chỉ còn một chữ nếu chữ ấy đủ gợi ra cả điển được nhắc đến. Lên thác xuống ghềnh là thành ngữ chỉ sự gian khó chứ không phải là điển nhắc đến hai cái chết của hai nhà thơ thời cổ hợp với văn cảnh Truyện Kiều và ngôn ngữ cổ thời Nguyễn Du viết Kiều.

Khi ông mới công bố bước đầu những câu chữ chỉnh sửa theo hướng phục nguyên đã gặp sự phản biện của nhiều nhà Kiều học có uy tín nhưng ông vẫn tin tưởng vào sự đúng đắn của mình. Trong bản Kiều mới công bố gần đây, giáo sư Nguyễn Tài Cẩn cũng đã dùng nhiều chữ theo hướng chỉnh sửa của ông là sự khẳng định việc làm của ông là không vô bổ, không phải viết bừa cãi bứa.

Sức người có hạn. Hành trình đến nguyên tác Truyện Kiều còn gian truân lắm. Ông Nguyễn Khắc Bảo vẫn tiếp tục sưu tập bản Kiều nôm cổ, tiếp tục tìm nguyên tác, nhưng có đến đích hay không là chuyện khác.

_____________________________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét