Thứ Hai, 22 tháng 3, 2010

Nhạc sĩ Phạm Duy: 'Anh Hữu Loan đi, tôi chỉ tiếc thương cái tài'

Tâm sự với Đất Việt về sự ra đi của tác giả Màu tím hoa sim, nhạc sĩ Phạm Duy, người đã phổ nhạc rất thành công tác phẩm này, nhạc sĩ Phạm Duy cho biết: Anh Hữu Loan đi tôi chỉ tiếc thương cái tài”

- Hành trình phổ nhạc từ bài thơ “Màu tím hoa sim” của thi sĩ Hữu Loan đến bản nhạc “Áo anh sứt chỉ đường tà” gắn bó với tên tuổi Phạm Duy đã được ông thực hiện như thế nào?

- Tôi với anh Hữu Loan quen nhau năm 1948 ở Cầu Bố, Thanh Hóa, lúc đó chúng tôi làm việc dưới quyền tướng Nguyễn Sơn. Một lần nghe anh ấy đọc bài thơ Màu tím hoa sim, tôi thích lắm, tôi muốn phổ nhạc ngay. Nhưng đến khi phổ nhạc xong, vì một vài lý do tôi không phổ biến bài hát. Sau này tôi vào Sài Gòn sinh sống, và tới năm 1971 mới chính thức tung ra bài hát. Khi đó tôi đổi tên bài hát thành Áo anh sứt chỉ đường tà. Nhờ hai giọng ca Thái Thanh và Duy Quang, thiên hạ biết nhiều đến bài này, họ thích lắm. Bài hát thành công ngay từ thời đó và cho đến bây giờ tôi vẫn thấy người ta hát hoài.

- Tại sao ông lại chọn tựa đề bài hát của mình là một câu ca dao?

- Bài thơ Màu tím hoa sim cũng có hai người khác phổ nhạc, Dzũng Chinh với tên Những đồi hoa sim và Anh Bằng thì lấy tên là Chuyện hoa sim. Nếu tôi để nguyên tên có thể người ta sẽ nhầm lẫn. Vả lại Áo anh sứt chỉ đường tà là câu chính trong bài thơ của anh ấy, tôi có mạo muội thêm bớt đâu nào!

- “Áo anh sứt chỉ đường tà” đã làm toát lên sự hào hùng và bi thương, cái tinh thần chính của "Màu tím hoa sim". Lý do nào ông quyết định phổ nhạc cho bài thơ này?

- Tôi nghĩ, bổn phận của người nghệ sĩ trong thời chiến phải biến cái bi thành cái hùng. Bài thơ của anh Hữu Loan có cả hai yếu tố đó và trong bản nhạc Áo anh sứt chỉ đường tà người ta cũng nghe được cả hai tiếng: tiếng hùng và tiếng bi. Tôi muốn soạn một “đại khúc” (grand music) bi hùng dài tới 5-7 đoạn, một “chant patriotic”, và bài thơ cho tôi cảm hứng ấy. Nhưng hơn cả, tôi thích bài thơ và tôi đã đã phổ nhạc theo bổn phận của người nghệ sỹ.

- Về Việt Nam đã 5 năm. Ông đã gặp lại nhà thơ Hữu Loan?

- Năm 2006, tôi có dịp đi ngang qua tỉnh Thanh Hóa, nghe người ta nói anh Hữu Loan sống ở trong một cái làng, thế là tôi đi xe ôm vào thăm. Anh em gặp nhau trong hoàn cảnh cả hai đã già. Lần đó gặp nhau rất vui, anh Hữu Loan tiếp đón niềm nở lắm. Chúng tôi ôn lại dăm ba câu chuyện rồi chia tay nhau. Lúc đó tôi thấy anh Hữu Loan đã hơn 90 tuổi mà hãy còn sống và còn khoẻ mạnh thì mừng lắm. Nhà cửa nhìn cũng khang trang, không đến nỗi nghèo nàn như người ta nói. Có lẽ khi ấy thi sĩ đã được phục hồi, được an nhàn không phải lao động nữa thành thử anh ấy thoải mái lắm.

- Bây giờ khi nghe tin Hữu Loan đã mất, ông có suy nghĩ gì về cái gọi là “sinh, lão, bệnh tử” trong cuộc đời?

- Anh Hữu Loan mất thì mình tiếc thương cái tài của anh ấy. Chứ còn anh ấy 95 tuổi, mà chết đi thì mình mừng chứ! Bởi nếu như tôi không nhầm thì lúc này anh ấy đã bị lẩm cẩm rồi. Mà người già, như tôi chẳng hạn, năm nay cũng đã 90 rồi, chỉ thua anh Hữu Loan vài tuổi thôi, đều sợ nhất một điều là về già mà bị lẩm cẩm.

- Nhưng nhạc sĩ còn rất minh mẫn, nhiều người gọi Phạm Duy là “ông già hi-tech” và vẫn miệt mài lao động nghệ thuật, như là phổ nhạc cho hơn 3000 câu thơ của đại thi hào Nguyễn Du thành “Kiều Ca” đó thôi!

- Không! Tôi là một chàng thanh niên mới có 90 tuổi. Tôi tập thể dục, tôi không uống rượu, tôi không hút thuốc lá, cả một đời tôi trong sạch. Người ta muốn nói nghệ sĩ bê bối ra sao thì là đang nói về người khác, còn tôi là nghệ sĩ rất trong sạch.

Tôi đã hoàn thành Kiều ca nhưng chưa mượn được ca sĩ để thu thanh. Muốn hát Kiều ca là phải mượn ca sĩ lớn, bởi tác phẩm của tôi gồm có bốn phần, phải thâu thanh suốt bốn tiếng đồng hồ mà tôi thì chưa có tiền để thuê nghệ sĩ. Hơn nữa bên Phương Nam chưa xin phép nên tác phẩm này chưa đến được với công chúng. Năm nay tôi 90 tuổi rồi, nếu chưa làm được tác phẩm này, sang năm tôi chết đi, theo chân anh Hữu Loan thì tôi cũng hơi tiếc.

- Nhưng nghe người nhà nói tuần sau nhạc sỹ sẽ qua Mỹ. Vậy dự án này của ông sẽ hoãn đến khi nào?

- Dự án thì vẫn ở đó, tôi vẫn kiếm người. Còn việc tôi sang Mỹ, tôi chỉ qua bên đó chữa bệnh, cái bệnh đau ruột đã khá lâu rồi nhưng chữa mãi không khỏi, nên có khi qua bên đó lại chữa hết. Tôi đã về đây 5 năm rồi, tôi không muốn bước chân qua Campuchia hay Singapore chứ đừng nói là về hẳn bên Mỹ. Tôi là người Việt Nam, đến cuối cùng tôi luôn muốn được sống chết ở Việt Nam.

- Cảm ơn nhạc sĩ rất nhiều về những chia sẻ!

KENG (thực hiện)
____________________________________________

1 nhận xét: