Thứ Bảy, 13 tháng 3, 2010

Nơi xuất xứ hai câu thơ của Nguyễn Bính

Trần Thị Thắng

Ngày 21-1-2010, Ban nhà văn nữ đã tổ chức một đoàn nhà văn trở về xã Mỹ Hòa, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long, nơi xuất xứ hai câu thơ trên của Nguyễn Bính viết 1946. Con đường về phía chân cầu Cần Thơ bên kia sông là nơi "gạo trắng nước trong", một thành phố sầm uất nhất của miền tây; bên này là xã Mỹ Hòa, nơi 64 năm trước, Nguyễn Bính bị càn từ Cần Thơ, ông lội về sinh hoạt cùng bà con Mỹ Hòa.

Dừng lại hương lộ, chúng tôi lội bộ về ấp Mỹ Hưng II. Những căn nhà lá bên vườn cây ăn quả, luống rau, khóm hành, được chăm chút xanh tươi. Sau đợt càn của giặc, Nguyễn Bính cùng Huế Cường chạy về ấp Mỹ Hưng hoạt động. Ðồng chí Huế Cường phụ trách chỉ huy quân sự, Nguyễn Bính là chính trị viên liên khu du kích 5 xã gồm Mỹ Hòa, Ðông Thành, Tân Hưng, Tân Quới... trụ sở là căn nhà lá đặt sau chùa Mỹ Hưng II, ông phụ trách mảng thơ ca hò vè kháng chiến. Nguyễn Bính từng ở trong nhà của ông Trần Minh Công. Nhà thơ sống ở làng, thơ ông làm, được các du kích thuộc làu làu. Hằng ngày Nguyễn Bính ra trụ sở du kích hội họp rồi dạy bà con hò hát. Căn nhà chuyên hội họp ấy đã bị bom thả, nay còn lại nền nhà. Chúng tôi chụp ảnh chung với Ba Hưng là du kích thời ấy tại ấp Mỹ Hưng II, cùng ông Trần Minh Ngân bộ đội chủ lực của tỉnh đội Cần Thơ trên nền nhà trơ trọi còn lại.

Cũng ngày giặc càn, Trần Minh Ngân là cháu ông Trần Minh Công ghé về thì gặp Nguyễn Bính đang dạy du kích tập dượt đội hình, dạy hò hát. Ba Hưng là du kích một thời cùng được hoạt động với Nguyễn Bính, ông khâm phục đức tính giản dị, tấm lòng chân thành của một người con đất Bắc lặn lội vào miền nam hoạt động để liên kết công nông binh đánh Pháp (Ðội du kích hồi đó có 60 người, nay đã mất cả, chỉ còn lại Ba Hưng đã ngoài 80 tuổi).

Tại căn nhà xưa của ông Trần Minh Công, nhà văn Lê Văn Thảo cùng Nguyễn Bính Hồng Cầu (con gái nhà thơ Nguyễn Bính) đã đến tận nơi xin được chiếc bàn gỗ mà nhà thơ thường ngồi làm việc để giao lại cho bảo tàng của Hội Nhà văn Việt Nam. Ở và làm việc tại ấp Mỹ Hưng II bốn tháng (khoảng tháng 8-1946 đến tháng 12-1946), Nguyễn Bính đã để lại một tình yêu thương vô hạn của đồng bào và du kích nơi đây. Khi Nguyễn Bính đi rồi, du kích xã mới biết có bài hát Tiểu đoàn 307 là do ông viết thơ, Hoàng Hiệp phổ nhạc. Mỗi lần nhẩm hát, những người du kích ở đây như thấy có bóng dáng nhà thơ ẩn hiện trong nhà, dưới ấp, sau rặng cây. Hiện nay ấp Mỹ Hưng II đã có trường tiểu học Mỹ Hòa, nhà mẫu giáo Khai Trí. Ngày sập cầu Cần Thơ, con gái nhà thơ Nguyễn Bính gặp ai quyên góp tiền người ấy cũng được 30 triệu. Chị tất tả chạy về Mỹ Hòa cùng cán bộ của Phòng Thương binh-xã hội huyện Bình Minh, lập tức cấp phát tiền cho những nhà bị nạn. Trong đoàn hôm nay có nhà thơ Lê Thị Kim, lúc cầu Cần Thơ có sự cố, chị đưa hai triệu đồng cho Hồng Cầu; Võ Thị Kim Liên đưa 500 nghìn đồng. Huyện Bình Minh có 16 xã, cây cầu Cần Thơ đi qua xã Mỹ Hòa trong đó có ấp Mỹ Hưng II. Toàn huyện diện tích 9.152 ha, sáu xã, 55 ấp khóm, 1.078 tổ với 22.424 hộ dân, 86.401 khẩu, gồm ba dân tộc Kinh, Khmer, Hoa chung sống. Trong hai cuộc kháng chiến, nơi đây, cứ 57 người dân thì có một người hy sinh; 80 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng...

Ở Mỹ Hưng II đã quá trưa, năm chiếc xe ôm ghé vào đưa chúng tôi trở lại Ủy ban xã Mỹ Hòa nằm ở ấp Mỹ Lợi bên bờ sông Ðông Thành trước mặt, còn sau lưng là sông Hậu. Vậy bài thơ của Nguyễn Bính: "Sẽ ghé đầu tiên bến Mỹ Hòa" là nói "bến Mỹ Hòa" ở dòng sông nào? Sông Hậu hay sông Ðông Thành? Theo cách nghĩ của tôi, "Con tàu độc lập khi quay lái" thì sẽ lái từ Cần Thơ "quay lái" sang Mỹ Hòa. Vậy phải là dòng sông Hậu vì dòng sông bên này là Mỹ Hòa, bên kia là Cần Thơ. Nguyễn Bính quay mũi thuyền độc lập đón ai? Có phải người tình của ông ở Mỹ Hòa chăng? Nơi ấy có lời thề non hẹn biển nào mà chúng ta chưa được biết đến? Lời giải cho hai câu thơ này còn là một bí ẩn. Trụ sở UBND xã như một vườn cây cảnh. Ở đây, chúng tôi tổ chức một cuộc hội thảo nhỏ. Khi cuộc hội thảo kết thúc, đội đờn ca tài tử tới. Chỉ cần chiếc âm ly, cây đàn kìm, một cây mi-crô là anh em trong thôn có thể ca thâu đêm suốt sáng. Tôi cứ hình dung, xưa Nguyễn Bính cũng là người bị những bài ca, câu hát cuốn hút.

Kết thúc chương trình văn nghệ, tất cả cùng đứng dậy hát bài Tiểu đoàn 307. Chị Nguyễn Bính Hồng Cầu đã xin được 8.000 bản sách cho các thư viện các ấp thuộc xã Mỹ Hòa, thư viện của huyện Bình Minh, các xã đều có thư viện đọc sách, mượn sách. Mơ ước của chị, của tất cả chúng tôi là sớm có một đề án về Ðàn ca Tài tử trình lên UNESCO để được công nhận là di sản văn hóa thế giới, đó là văn hóa phi vật thể mà bà con đồng bằng Nam Bộ gìn giữ từ đời này qua đời khác.

Mỗi lần các nhà thơ đi về với đồng bào là lại có những bài thơ mới, gắn kết những cuộc đời với quê hương, làng xóm. Ðó không còn là những câu thơ than khóc với chính mình. Ðồng bằng Nam Bộ những năm kháng chiến đã sản sinh ra bài thơ Tiểu đoàn 307 Nguyễn Bính đã viết được nhờ những năm tháng hòa mình trong gian khổ mà hào hùng cùng bộ đội và đồng bào. Nguyễn Bính nếu còn sống chắc cũng trở về nơi mình đã sống, cảm ơn đồng bào đã nuôi dưỡng ông để có những bài thơ hay đi cùng nhịp hát hành quân của cả dân tộc.

___________________________________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét