Thứ Bảy, 27 tháng 3, 2010

Orhan Pamuk: 'Nghệ thuật không có trung tâm'

Phan Nhật Chiêu

Theo Orhan Pamuk, "Nghệ thuật như là một sự đan dệt, một thứ gì đó mơ hồ: Nghệ thuật không có trung tâm". Dưới đây là bài viết của nhà nghiên cứu Phan Nhật Chiêu về tiểu thuyết "Tên tôi là Đỏ" của nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ nổi tiếng.

Khi Orhan Pamuk đoạt giải Nobel văn chương, vẫn có người cho rằng giải thưởng Nobel cao quý ấy trao cho một Orhan-chống-Thổ Nhĩ Kỳ hơn là một Orhan-văn chương trong bối cảnh mà thế giới Hồi giáo bị nhìn nghi ngại.
Thời đại ngày nay dường như đòi hỏi mọi người và mọi thứ phải có nhãn hiệu. Yêu nước hoặc là phản quốc. Đông hoặc là Tây. Chân lý hoặc là giả ngụy. Văn minh hoặc là man rợ. Tự do hoặc là nô lệ. Tiến bộ hoặc là lạc hậu. Truyền thống hoặc là hiện đại. Hiện đại hoặc là hậu hiện đại.

Nhưng Orhan, dù được so sánh với hầu hết những khổng lồ văn chương hiện đại từ William Faulkner, Thomas Mann, Virginia Woolf, James Joyce, Franz Kafka, đến Borges, Calvino và Ecao vẫn là Orhan, một thanh điệu độc đáo trong thế giới đa thanh này.
Nhưng không chỉ thế giới đa thanh. Giọng điệu của Orhan là giọng điệu của đa thanh. Ông đem vào tiểu thuyết cái đa thanh như ta vẫn thấy trong cuộc sống, vốn là bản chất của cuộc sống.
Trong Tên tôi là Đỏ có vô số yếu tố Đông và vô số yếu tố Tây. Truyền thống và hiện đại. Phàm tục và linh thánh.
Tất cả được nén vào một câu chuyện vụ án diễn ra ở Istanbul cuối thế kỷ mười sáu trong thế giới của những nhà tiểu họa.
Theo thói quen đọc truyện mòn sáo, bạn đọc sẽ có khuynh hướng tìm kiếm một cái nhìn trung tâm, một tiếng nói trung tâm trong các tác phẩm tiểu thuyết.
Để minh họa cho một cuốn sách vĩ đại, các nhà tiểu họa trong Tên tôi là Đỏ được tập hợp lại. Họ sẽ vẽ như thế nào? Theo truyền thống hay theo Phương Tây? Theo cái nhìn của Thượng đế hay cái nhìn của con người? Và họ bắt đầu giết nhau vì cho cái nhìn của đối phương là báng bổ và sai lầm.
Bạn đọc sẽ tự hỏi, vậy thì tác giả, tức Orhan Pamuk đứng về phía nào? Nhân vật nào phát ngôn cho ông? Nghệ thuật sẽ đi theo cái nhìn nào? Cái nhìn của Thượng đế hay cái nhìn của con người, cái nào đúng? Đông hay Tây? Truyền thống hay hiện đại?
Nếu chọn cái nhìn một phía như vậy làm trung tâm thì dù chọn thế nào, đó cũng chỉ là một cái nhìn hạn hẹp mà Phật giáo gọi là "biên kiến", cái nhìn chỉ thấy một bên của sự sống.
Orhan Pamuk là một nghệ sĩ lớn. Ông không chọn Đông hay Tây làm trung tâm cho cái nhìn của mình.
Trong Chương 54 (Tôi là một phụ nữ) có một bài thơ của nhân vật mà ta có thể xem là chính tiếng hát của Orhan Pamuk:
Trái tim xao xuyến của tôi khát khao trời Tây khi tôi đang ở Phương Đông và khao khát trời Đông khi tôi đang ở phương Tây.
Những phần khác của tôi khăng khăng tôi là đàn bà trong khi tôi là đàn ông và khăng khăng tôi là đàn ông khi tôi là đàn bà.
Làm người thật gian nan làm sao, sống một đời người thậm chí còn tồi tệ hơn.
Tôi chỉ muốn làm vui cho mình cả phía trước lẫn phía sau, là cả Đông lẫn Tây.
Theo Orhan Pamuk "Nghệ thuật như là một sự đan dệt, một thứ gì đó mơ hồ: Nghệ thuật không có trung tâm" ("Art as a testure, a sort of vagueness: art where there is no centre").
Với tư tưởng đó, Orhan cấu tạo tác phẩm Tên tôi là Đỏ theo phối cảnh các thể hóa (the individualising perspective), trong đó từng nhân vật kể ở ngôi thứ nhất những trải nghiệm của mình. Như thể đang độc thoại trên sân khấu.
Mỗi nhân vật là một cái cây mọc trên thứ đất phù hợp với mình, cho dù nhân vật đó là người sống hay xác chết, là người đẹp hay Satan, là nhà thơ hay sát nhân, thậm chí là con chó, cái cây hay đồng tiền, là màu đỏ hay là cái chết...
Chưa có tiểu thuyết nào huy động nhiều cái nhìn kỳ lạ đến thế.
Trước khi vào truyện, tác giả trích dẫn một số câu trong kinh Koran làm đề từ, trong đó có lời này: "Thượng đế thuộc về Đông lẫn Tây".
Và ta cũng có thể nói như thế về Orhan Pamuk. Tác giả vĩ đại này thuộc về Đông lẫn Tây.
Ông không nói với ta về một chân lý tuyệt đối. Trí tưởng tượng kỳ diệu của ông có thể làm cho màu đỏ biết nói nhưng ông không tưởng tượng ra cái gọi là chân lý tuyệt đối.
Nhân vật Satan (chương 47) của ông từng nói rằng: "trong thế giới của chúng ta điều xấu cũng cần thiết như điều tốt và tội lỗi cũng cần thiết như sự công chính".
Trong thế giới của Orhan, mỗi cá thể sẽ tìm ra chân lý của mình.
Như Saint-Exupéry từng bảo rằng, đất nào phù hợp với cây cam thì sẽ là chân lý của cây cam.
Nhưng tiểu thuyết không cần phải tuyên xưng một chân lý nào. Đó là địa hạt của niềm vui, của tưởng tượng, của hài hước.
Ở chương cuối cùng (chương 59), người đẹp Shekure kể lại câu chuyện của mình cho con là Orhan nghe, "đứa đủ ngốc để trở nên hợp lý trong mọi vấn đề" trong hy vọng rằng nó có thể viết thành sách.
Và Orhan tất nhiên trùng tên với tác giả Tên tôi là Đỏ.
Thế rồi nàng dặn người đọc: "Đặc biệt, bạn đừng để Orhan lừa... Để có được một câu chuyện thuyết phục và thú vị thì không có lời dối trá nào mà Orhan không dám nói ra".
Như thế là, tác giả đang đùa cợt với ta. Đang bỡn hết mức. Ta đang đọc tiểu thuyết, xin nhớ cho.
Ta đang bị đánh bẫy, đang vướng vào niềm vui hư cấu bịa đặt của nhà văn, một câu chuyện nóng hổi nhân tính, vô cùng thú vị có nhan đề: Tên tôi là Đỏ.
Trong khuôn khổ các hoạt động của Hội chợ sách TP HCM lần thứ 5 năm 2008, ngày 11/3, tại Nhà hội thảo 1, công viên Lê Văn Tám, quận 1, diễn ra hội thảo văn học, chủ đề: Orhan Pamuk - giữa Đông và Tây, do công ty văn hóa và truyền thông Nhã Nam, NXB Văn học cùng NXB Trẻ phối hợp tổ chức.
Buổi hội thảo có sự tham dự của các diễn giả: Nhà thơ Inrasara (người dẫn chương trình), dịch giả Nguyễn Tiến Văn, dịch giả Nguyễn Mai Sơn, dịch giả Lê Quang, dịch giả Phạm Viêm Phương, nhà văn - nhà báo Nguyễn Danh Lam, nhà phê bình văn học Phan Nhật Chiêu; cùng nhiều bạn đọc TP HCM.
Orhan Pamuk, giải Nobel văn học 2006, nổi lên như một trong những tiểu thuyết gia đáng lưu ý nhất của văn học thế giới đương đại. Tác phẩm của ông, thông qua hình thức tiểu thuyết mang đậm dấu ấn phương Tây, đã "đi sâu tìm hiểu tâm hồn u uẩn, sầu muộn của thành phố quê hương" [1] Istanbul, đồng thời diễn tả được sự giao thoa, xung đột giữa hai nền văn minh Đông - Tây. Sự giao thoa này được xem là một trong những yếu tố căn cốt làm nên giá trị, sức hấp dẫn cho tác phẩm của Pamuk, đồng thời là một cách tiếp cận hiệu quả để đi sâu giải mã những vấn đề khác trong tác phẩm của ông.

[Buổi hội thảo Orhan Pamuk - giữa Đông và Tây là dịp để các nhà phê bình, dịch giả, cũng như độc giả Việt Nam cùng thảo luận các vấn đề quan tâm tới tác phẩm của Pamuk. Tham luận của các dịch giả, nhà nghiên cứu tập trung vào chủ đề chính: Yếu tố Đông và Tây trong các tác phẩm của tác phẩm của Orhan Pamuk, đặc biệt là qua ba tác phẩm đã được dịch và xuất bản tại Việt Nam (tính tới thời điểm tổ chức hội thảo): Tên tôi là Đỏ, Pháo đài trắng, Tuyết. Nhiều câu hỏi được nêu lên để cử tọa cùng tranh luận như: Dấu ấn Đông - Tây được thể hiện như thế nào trong các tác phẩm của Pamuk? Ông chủ định trở thành nhịp cầu kết nối giữa Đông - Tây hay chỉ giản đơn là phơi bày, diễn tả và không thể hiện quan điểm cá nhân? Có thể coi Pamuk là một tác giả hậu hiện đại? Những đặc trưng nào trong các sáng tác thể hiện được tầm vóc "nhà văn lớn" của Orhan Pamuk?...]
Chi Mai

[1] Nhận định của hội đồng giám khảo giải Nobel 2006 về Orhan Pamuk.
___________________________________________________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét