Chủ Nhật, 21 tháng 3, 2010

Một chiêm nghiệm 'cõi người' của Hồ Anh Thái

Trần Thị Hải Vân

Những trang viết của Hồ Anh Thái đã đến với bạn đọc từ những năm tám mươi của thế kỷ trước. Ngày đó, cách viết của Hồ Anh Thái thật trữ tình, sâu lắng, không gây “shock”, không ồn ào.

Theo thời gian, Hồ Anh Thái lại thật sự gây xôn xao dư luận bạn đọc với Tự sự 265 ngày (tập truyện ngắn), Bốn lối vào nhà cười (tập truyện ngắn), Cõi người rung chuông tận thế (tiểu thuyết), Mười lẻ một đêm (tiểu thuyết) và mới đây nhất là cuốn tiểu thuyết về Ấn Độ, Đức Phật, nàng Savitri và tôi. Qua những tác phẩm này thấy Hồ Anh Thái sắc sảo hơn, châm biếm, giễu nhại cũng sâu cay hơn. Anh đã có những bứt phá trên hành trình nghệ thuật mặc dù có nhiều người vẫn thích một Hồ Anh Thái của thời kỳ trước đây, thời kỳ “tiền Ấn Độ” như có người từng gọi. Hồ Anh Thái đã có những cách tân mạnh mẽ về mặt nghệ thuật và đã tạo ra những hiệu quả nghệ thuật rất đáng ghi nhận trong tác phẩm của mình. Đồng thời trong giới nhà văn Việt Nam hiện nay, anh cũng được xem là một nhà văn “cấp tiến” về mặt tư tưởng.
Có thể nói tiểu thuyết là phần quan trọng nhất trong sáng tác của Hồ Anh Thái. Với một sức bút mạnh mẽ, mỗi năm Hồ Anh Thái đều đặn cho ra đời một cuốn tiểu thuyết và hiện nay anh đã có lưng vốn hơn 30 cuốn sách - một con số đáng nể của bất cứ một nhà văn nào. Anh đã tạo nên trong tiểu thuyết của mình cả một thế giới nghệ thuật phong phú. Bằng một cái nhìn xâu chuỗi, dễ thấy trong thế giới nghệ thuật ấy hiện diện một “cõi người” sinh động và đầy biến ảo. “Cõi người” không chỉ được gọi tên một cách trực tiếp như trong Cõi người rung chuông tận thế mà nó còn được khắc họa, được tạo dựng trong bất cứ một cuốn tiểu thuyết nào của anh. Nó hàm chứa một quan niệm, một cách nhìn, một chiêm nghiệm về cuộc đời, về nhân tình thế thái của nhà văn. Cũng như “Tấn trò đời” của Balzac, “Cõi người” trong tiểu thuyết Hồ Anh Thái cũng là một “tấn trò đời”, một nhân loại riêng với đầy đủ tất cả những Hỉ, Nộ, Ái, Ố, Sinh, Lão, Bệnh, Tử...

“Cõi người” là một khái niệm mang màu sắc tôn giáo đậm nét. Tôn giáo quan niệm “cõi người” là cảnh giới mà chúng ta đang sống và đang thụ hưởng cả hạnh phúc lẫn khổ đau. “Thuyết Luân hồi của Phật giáo cho rằng phạm vi luân hồi bao gồm sáu cõi: Trời, cõi người, cõi Tula (Thần đạo), cõi súc sinh, cõi quỷ, cõi địa ngục. Phật giáo tin rằng, phạm vi luân hồi sinh tử tuy có sáu cõi, nhưng cõi người là chủ đạo, vì chỉ ở cõi người, chúng sinh vừa có thể gieo các nhân thiện hay ác nghiệp, vừa chịu quả báo. Còn các cõi sống khác, chúng sinh chỉ có một chiều hưởng phúc báo, không có cơ hội tạo nghiệp mới. Chỉ có ở “cõi người”, chúng sinh vừa thụ quả báo vui, vừa chịu quả báo khổ, lại có thể phân biệt được thiện ác (Tạp chí Nghiên cứu Phật học, số 4/2000).
Cảm hứng về “cõi người” của Hồ Anh Thái phải chăng cũng là bắt nguồn từ tôn giáo. Là một nhà nghiên cứu về văn hóa Ấn Độ, triết lý của Phật giáo về “cõi người” thấm đẫm trong văn chương của anh như một thứ ám ảnh. Mặt khác, sự thể hiện “cõi người” trong tiểu thuyết Hồ Anh Thái cũng có cội nguồn sâu xa từ những quan niệm về hiện thực của nhà văn. Trong bài trả lời phỏng vấn của báo Thể thao và Văn hóa (tháng 3/2004), Hồ Anh Thái khẳng định rằng: “Tôi không đặt văn chương vào tháp ngà mà để nó chung sống với những vấn đề nhạy cảm của xã hội”. Thiết nghĩ đây cũng là quan niệm của bất cứ nhà văn nào được xem là “cấp tiến” về mặt tư tưởng. Nó mở đường cho những khám phá về hiện thực mang màu sắc nhân văn của tác giả.
Phải chăng những chiêm nghiệm về “cõi người” luôn mang tính nhân loại phổ quát, không chỉ dừng lại ở khía cạnh giai cấp hay dân tộc, là những chiêm nghiệm hướng vào chiều sâu nhân bản trong mỗi con người, trong từng số phận con người. Bởi vậy “cõi người” trong tiểu thuyết Hồ Anh Thái là cả một nhân loại đầy phức tạp. Những khám phá tinh vi về con người, về từng số phận, từng cảnh huống, từng tính cách đã góp phần tạo nên một thế giới người với đủ màu sắc phong phú. Anh đã tái hiện thành công một xã hội người với nhiều loại người, nhiều lớp người, nhiều quan hệ chằng chịt. Xã hội Việt Nam đang trong thời kỳ chuyển biến từ bao cấp sang kinh tế thị trường bên cạnh những cái đổi mới, cái hiện đại, cái tân thời thì cũng bộc lộ nhiều vấn đề bất cập, nhiều cái đáng khóc, đáng cười, nhiều thói hư tật xấu của con người cũng có dịp nảy sinh. Trong xã hội ấy có những con người đầy bản lĩnh và đầy khát vọng như Hòa (Người đàn bà trên đảo), trong sáng như cậu bé Tân (Trong sương hồng hiện ra), nhưng cũng có những con người ngập chìm trong dục vọng như Tường (Người đàn bà trên đảo), có những thanh niên tha hóa như Cốc, Bóp, Phũ (Cõi người rung chuông tận thế) và cũng có những số phận bất hạnh bị xã hội lãng quên như những người đàn bà trong Đội Năm (Người đàn bà trên đảo). Ở những tác phẩm sau này, Hồ Anh Thái thường thể hiện một giọng điệu châm biếm giễu nhại sắc sảo. Âu đó cũng là giọng chung của nhiều tiểu thuyết theo giòng hậu hiện đại. Đến Mười lẻ một đêm của Hồ Anh Thái, một lần nữa cái tấn trò đời lại được xuất hiện, nhưng qua cái nhìn đầy châm biếm hài hước.

Quả thật, Mười lẻ một đêm gần với một thứ tiểu thuyết hoạt kê, gợi nhớ đến không khí của Số đỏ (Vũ Trọng Phụng) bởi những nhân vật có phần nghịch dị trong đó, bởi giọng văn châm biếm, bởi cái nhìn sắc sảo như muốn phanh phui tất cả những cái xấu ở đời. Chuyện mười lẻ một ngày đêm đâu chỉ là chuyện của một đôi tình nhân trớ trêu bị nhốt trong căn phòng của một người bạn mà thực chất là chuyện của cả một thời thế, một cõi người ở ngoài kia nhốn nháo và đầy nghịch lý được quy chiếu trong một cái nhìn trào lộng và phóng đại. Mà dường như tác giả không buông tha bất cứ một điều gì. Chuyện học thuật phong cấp phong hàm, chuyện trai gái nhà nghỉ nhà trọ, chuyện hát hò vẽ tranh nặn tượng, chữ nghĩa văn chương, chuyện các doanh nhân thời mở cửa, chuyện các mađam quyền cao chức trọng dắt nhau tìm đất trang trại lập hội khai hoang, thậm chí cả chuyện đái đường và du lịch rác... Vì lẽ đó trong Mười lẻ một đêm, người ta thấy hiện rõ bộ mặt Hà Nội, Sài Gòn, với “sự giàu xổi của giới trí thức, sự kệch cỡm của những phòng khách, sự tẻ nhạt của lớp thị dân, thói trưởng giả của giới thượng lưu...”. Với nhà phê bình Hoài Nam thì trong tiểu thuyết này “hoàn toàn không có sự nổi loạn của nhân vật. Nhân vật ở đây chỉ là những con rối trong bàn tay điều khiển của nhà văn. Chúng xuất hiện và hành động chỉ là để thể hiện cho cái cảm quan của anh về một trần thế ngả nghiêng đầy rẫy sự tức cười. Mà quả thật, ở một xã hội mà sự hôn phối giữa căn tính bao cấp kéo dài với thói xốc nổi học đòi thời mở cửa vẫn chưa qua hết thì đâu có thiếu chuyện nực cười”. (Hồ Anh Thái - Người lúc nào cũng đang viết, báo Văn nghệ Tết Mậu Tý 2008).
Nhìn ở góc độ nhân tính, trong “cõi người” ấy, con người bản năng được Hồ Anh Thái thể hiện thành công nhất. Con người bản năng đã từng xuất hiện khá đậm nét trong tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng, thấp thoáng trong một số truyện ngắn của Nam Cao để rồi gần như vắng bóng hoàn toàn trong văn học cách mạng. Sự xuất hiện của con người bản năng trong tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng gắn liền với quan niệm của tác giả về “cái dâm của loài người” và ngày đó nó đã từng phải gánh chịu khá nhiều búa rìu của dư luận. Nhưng bước vào thời kỳ đổi mới, con người bản năng xuất khiện khá đường hoàng trong văn học, nếu không nói là trở thành những hình tượng nổi bật của văn học thời kỳ đổi mới. Nhà văn không còn chỉ ngợi ca những vẻ đẹp thánh thiện của con người mà còn phải đi vào khám phá những vỉa tầng sâu thẳm trong mỗi con người, khám phá những phần khuất tối, những ham muốn, những dục vọng, những khát khao bị kiềm chế bởi những chế ước của xã hội.
Con người bản năng trong tiểu thuyết của Hồ Anh Thái được anh thể hiện tinh tế nhưng cũng đầy táo bạo. Đó là Tường (tiểu thuyết Người đàn bà trên đảo) - một sinh viên Đại học Mỹ thuật bị đuổi học vì dính líu vào một vụ bê bối. Anh được nhận vào làm việc trong một trại ươm giống đồi mồi trên đảo Cát Bạc. Chính khung cảnh cô quạnh nơi đây đã làm sống lại những dục vọng bản năng trong con người Tường. Đó là những người đàn bà trong Đội Năm, họ hầu hết đều những cựu chiến binh được đưa vào làm việc trong một lâm trường quốc doanh đóng trên đảo. Họ khao khát được hạnh phúc, khao khát được làm vợ, làm mẹ nhưng phần nhiều trong số họ đã quá tuổi lấy chồng. Họ được khuyến khích yêu đương với những người lính một đơn vị đóng quân trong vùng nhưng bộ đội thuộc thế hệ trẻ hơn và phải gọi họ là cô, là chị. Họ đã tìm thấy Tường như một cứu vớt, như nắng hạn gặp mưa. Ở những người đàn bà của Đội Năm, Hồ Anh Thái đã có một cái nhìn sâu vào từng số phận, cảm thông với những khát khao hạnh phúc chính đáng của họ. Nhưng ở nhân vật Tường, ham muốn bản năng đã đẩy anh ta đến bên bờ vực của sự suy đồi. Vì vậy, bên cạnh Tường và những người đàn bà trong Đội Năm, Hồ Anh Thái xây dựng nhân vật Hòa như một điểm nhấn. Đó là một điển hình cho con người xã hội chủ nghĩa trong thị trường tự do: dũng cảm, thông minh, có tham vọng cá nhân song có trách nhiệm xã hội và luôn luôn biết kiềm chế. Nhưng nếu chỉ có vậy thì Hòa cũng chỉ là hình mẫu lý tưởng của văn học cách mạng. Cái chân thực của nhân vật này chính là cuộc đấu tranh quyết liệt với phần bản năng trong con người mình, không thể xóa bỏ nó nhưng cũng không để cho nó chế ngự bản thân.
Ở một tiểu thuyết khác viết về đề tài Ấn Độ, Đức Phật, nàng Savitri và tôi, Hồ Anh Thái đã rất thành công khi xây dựng hình tượng con người bản năng, tiêu biểu là hình tượng nàng Savitri. Nàng ngang tàng phóng túng và đối kháng với các giáo điều. Con người nàng cũng đầy sức sống và đầy bản năng, đầy đam mê nhục cảm, đầy khao khát dục lạc. Sự xuất hiện của một nhân vật như Savitri trong một cuốn sách viết về Đức Phật quả là một sự nổi loạn. Nhưng có lẽ ở một đất nước như Ấn Độ - xứ sở của Kama Sutra (Dục lạc kinh) thì sự xuất hiện của những nhân vật như Savitri có lẽ không phải là điều khó lý giải, nếu không nói đây là hình tượng đẹp nhất, sinh động nhất trong tác phẩm. Ở con người Savitri, bản năng không phải là tất cả, đam mê dục lạc không phải là tất cả. Hay nói cách khác, song hành với cái phần bản năng nhục cảm trong nàng là một tình yêu thánh thiện và vô vọng với Đức Phật. Người đàn bà suốt đời theo đuổi một tình yêu mãnh liệt với Đức Phật - một tình yêu hoàn toàn không nhục cảm - khiến cho ta chỉ có thể nghĩ về nàng trong những cảm xúc thánh thiện nhất.
Bên cạnh hình tượng con người bản năng, Hồ Anh Thái cũng thành công trong việc xây dựng hình tượng con người tha hóa trong xã hội hiện đại. Trong tiểu thuyết của anh, sự tha hóa cũng đồng nghĩa với cái ác. Với Cõi người rung chuông tận thế ba nhân vật Cóc, Bốp, Phũ là những điển hình cho lối sống thác loạn của một bộ phận thanh niên trong xã hội hiện đại. Người đọc bị “gây hấn” với nhân vật Bóp - một anh chàng chỉ thích tìm khoái cảm trong việc bóp chết một con vật nào đó. Thực chất đó đều là sự hiện thân của cái ác, cái ác mang màu sắc của thế giới hiện đại. Hay nói cách khác, “với tác phẩm này, lại một vấn đề của Con người - Nhân loại được đề cập: Thiện - Ác. Tác giả chọn cách đứng trên cỗ xe của cái ác; gần gũi, tòng phạm, hóa thân vào cái ác... để chỉ ra căn nguyên sâu xa hình thành cái ác...” (lời giới thiệu tiểu thuyết Cõi người rung chuông tận thế, NXB Đà Nẵng, 2004). Nhà văn rung chuông báo động về một ngày tận thế, đó là ngày cái ác sẽ chế ngự cõi người. Nhưng từ trong sâu thẳm, tác phẩm vẫn neo giữ một niềm tin cho người đọc, tin ở sự hướng thiện của con người.
Bởi vậy, con người hướng thiện là một điểm sáng của tiểu thuyết Hồ Anh Thái. Nhân vật “Tôi” trong Cõi người rung chuông tận thế ban đầu cũng đồng lõa với cái ác, quyết tâm tìm cô gái trẻ Mai Trừng để trả thù cho ba anh chàng Cốc, Bóp, Phũ. Không ngờ, quá trình tìm kiếm ấy lại là một quá trình hướng thiện. Anh ta nhận thức được cái ác, thấu hiểu giá trị của cuộc sống và nỗi đau của con người, sẻ chia với Mai Trừng cái sứ mệnh thiêng liêng đi trừng trị cái ác trong cõi đời này. Và có lẽ chỉ có tình yêu thương con người và sự thức tỉnh của con người mới có thể hóa giải, diệt trừ tận gốc cái ác, xây dựng cái thiện. Ngay chính bản thân nhà văn cũng tâm niệm về tác phẩm của mình: “Kẻ làm ác ở đây bị tiêu diệt bằng chính điều ác mà chúng định gây ra cho người lương thiện, một thứ hình phạt tự thân. Nhưng cõi người cũng bao dung lắm. Bạn hãy để ý nhân vật chính, dọc theo cuốn sách là hành trình hướng thiện của anh ta cho đến khi trút bỏ được cái ác. Triết học Phật giáo không tin vào định mệnh: kẻ làm ác vẫn còn cơ hội được giác ngộ, được đón nhận trở lại cõi người, chứ không phải bao giờ cũng bị trừng phạt”. (Người lao động cuối tuần, 12/10/2002). Có thể nói, đây cũng là tư tưởng nhân văn xuyên suốt trong nhiều tác phẩm của Hồ Anh Thái, và cũng là cái cốt lõi trong quan niệm của anh về cõi người.

_____________________________________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét